Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăn trở nơi đất nghề trăm tuổi

Thu Hằng| 25/03/2012 04:51

(HNM) - Tiếng là làng nghề (LN) gần trăm tuổi, nhưng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của LN may truyền thống Cổ Nhuế nhiều năm qua vẫn diễn ra ngay trong khuôn viên chật chội của mỗi gia đình.

"Chúng tôi kiến nghị nhiều lần với xã, với huyện cho phép xây dựng điểm công nghiệp làng nghề (CNLN), nhưng chờ mãi chưa thấy đâu" - Chủ tịch Hội nghề may, kiêm Chủ nhiệm HTX Thương mại, dịch vụ nghề may Cổ Nhuế Chu Văn Dũng than thở.

Đất nghề trăm tuổi

Theo chân một chủ buôn hàng quần áo may sẵn lớn ở chợ Đồng Xuân, PV tìm đến LN may truyền thống Cổ Nhuế (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) - nơi mà hằng ngày, những người dân nơi đây miệt mài sản xuất ra hàng nghìn bộ quần áo phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Những năm gần đây, nghề may Cổ Nhuế phát triển mạnh. Cả xã hiện có trên 40 chủ doanh nghiệp, xưởng sản xuất với quy mô từ 20 đến 100 máy may và hàng trăm hộ làm nghề quy mô nhỏ. Điển hình như Công ty TNHH may Hải Bảo (thôn Trù); xưởng may Thủy Dũng (thôn Viên); Bích Cường (thôn Đống)... Vừa sản xuất, người dân Cổ Nhuế còn năng động mở cửa hàng bán sản phẩm tại chợ Đồng Xuân và nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Thủ đô, các tỉnh từ Quảng Trị trở ra.

Nghề may ở Cổ Nhuế (Từ Liêm) đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Ảnh: Minh Phú

Ngược dòng lịch sử, xã Cổ Nhuế xưa có tên nôm là Kẻ Noi, thuộc tổng Cổ Nhuế, phủ Hoài Đức. Vừa làm nông nghiệp, đầu những năm 1920, một số người dân thôn Đống, thôn Trù đã tìm học được nghề may vá kiếm sống. Từ một vài hộ, đến năm 1935 nghề may phát triển ra toàn xã với vài trăm hộ làm nghề. "Hòa bình lập lại (năm 1954), nghề may Cổ Nhuế có điều kiện phát triển mạnh. Nhưng phát triển nhất là vào khoảng những năm 1960, trên địa bàn xã hình thành 3 HTX may mặc lớn là HTX Nhuệ Giang, Tự Cường và Sơn Hà thu hút hàng trăm lao động làm nghề" - ông Dũng cho biết. Cùng thời điểm đó, Cổ Nhuế còn có gần 100 hộ làm nghề may tại nhà. Nghề may phát triển đã mở ra một số dịch vụ như dịch vụ buôn bán, sửa chữa máy khâu, kinh doanh phụ kiện ngành may, vải vụn...

Đầu những năm 1980, các HTX may giải thể, số công nhân thất nghiệp đã tìm hiểu nhu cầu thị trường và đầu tư mua máy về may tại gia đình, sản phẩm bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội. Nghề may dần phục hồi, nhiều thợ giỏi đầu tư tiền của, thời gian đi học may quần áo thời trang, áo dài, comple, áo jacket… Có thời điểm, cả xã có tới 70% số hộ với hàng nghìn lao động làm nghề may, nhà nào cũng có vài chiếc máy khâu. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm của nông dân Cổ Nhuế được xuất khẩu sang nhiều nước như: Nga, Đức, Tiệp, Ba Lan, Hàn Quốc... Trải bao thăng trầm, đến nay nghề may Cổ Nhuế vẫn phát triển. Hiện nay, nghề may giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 2 vạn nông dân trong xã và lao động trong vùng. Thống kê của HTX Thương mại, dịch vụ may Cổ Nhuế, năm 2011 doanh thu đạt khoảng 360 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu toàn xã. Nghề may phát triển, đời sống người dân Cổ Nhuế ngày càng khấm khá.

Thiếu mặt bằng sản xuất?

Đó là câu hỏi chưa biết bao giờ mới có câu trả lời trong khi trên 40 công ty, xưởng may và cả trăm hộ làm nghề trong xã đang mong mỏi từng ngày. Ông Chu Văn Dũng cho biết, từ những năm 1995 trở về trước, khi các hộ làm nghề may trong xã tiến hành "cuộc cách mạng" chuyển đổi mô hình từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn và thay thế toàn bộ máy may thủ công bằng máy công nghiệp, sản xuất theo dây chuyền thì nhiều hộ đã có nhu cầu thuê đất mở xưởng. Tuy nhiên, những năm đó kinh tế còn eo hẹp, việc tiếp cận với các nguồn vốn khó nên nhiều hộ đã phải "cơi nới" nhà ở để làm xưởng. Gia đình ông Nguyễn Quốc Bảo, thành lập công ty từ năm 2002 nhưng do không có đất, khu nhà ở với diện tích 174m2 đã được đặt trụ sở công ty và ông phải xuống tỉnh Hưng Yên thuê đất, mở xưởng.

Xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ dân trong xã và xây dựng LN phát triển bền vững, những hộ làm nghề đã đề nghị xã Cổ Nhuế và huyện Từ Liêm thành lập điểm CNLN để chuyển tất cả các hộ có nhu cầu ra đó. Để có tư cách pháp nhân, những người làm nghề đã cùng nhau thành lập Hội nghề may Cổ Nhuế (năm 2002) và thành lập HTX Thương mại, dịch vụ nghề may Cổ Nhuế (năm 2009). Từ khi thành lập, cùng với việc tập hợp hội viên, xã viên sinh hoạt; tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, xã viên trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường... hai tổ chức này rất nỗ lực hoàn thiện các thủ tục đề nghị thành lập điểm CNLN. Tuy nhiên, theo anh Chu Văn Dũng, mặc dù xã Cổ Nhuế đã hoàn thành việc quy hoạch điểm CNLN, diện tích trên 9ha tại khu đồng thôn Trù, đã hoàn thành việc xin chỉ giới đường đỏ và hoàn thiện đủ thủ tục... nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì mà vẫn chưa thành hiện thực, trong khi người dân Cổ Nhuế đã dành không ít đất phục vụ phát triển đô thị, CN.

Để phát triển sản xuất, hàng trăm hộ dân làm nghề truyền thống ở Cổ Nhuế rất mong chính quyền các cấp sớm triển khai xây dựng điểm CNLN để bà con đầu tư mở rộng sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở nơi đất nghề trăm tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.