Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đau đáu chuyện việc làm

Hữu Hoài| 30/04/2012 07:01

(HNM) - Thu hồi đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ đã tạo ra sự thay đổi nhất định về kinh tế, xã hội khu vực ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên,

Học nghề dệt may ở huyện Hoài Đức. Ảnh: Thái Hiền


Báo cáo mới nhất về giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tại các khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của UBND thành phố cho thấy, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1-8-2008), bình quân hằng năm trên địa bàn thành phố thực hiện hơn 1.000 dự án đầu tư (bao gồm cả dự án chuyển tiếp và dự án mới) với diện tích thu hồi đất giải phóng mặt bằng khoảng 13.000ha, liên quan đến hơn 200.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Riêng nhu cầu đất bố trí tái định cư cho người dân lên tới 20.000 hộ. Căn cứ quy định của Chính phủ và đặc thù của Thủ đô, thành phố quy định hai hình thức bố trí tái định cư chủ yếu là: nhà chung cư đối với các quận và giao đất ở đối với các huyện. Nếu tính lũy kế, số hộ nông dân được hưởng chính sách tái định cư hiện nay là hơn 62.000 hộ với diện tích 537ha.

Hiện thành phố đã bố trí được 409ha, còn thiếu 128ha (chưa kể diện tích đất hạ tầng kỹ thuật xây dựng các khu tái định cư). Mặc dù các huyện, thị xã đã quan tâm tổ chức triển khai thực hiện các dự án giao đất dịch vụ cho người dân theo cam kết, song tiến độ giao đất dịch vụ rất chậm, gây nên những bức xúc ở nhiều địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong việc giao đất dịch vụ. Trong đó có việc quy hoạch các khu đất dịch vụ chậm, chính sách của Nhà nước về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư những năm qua thường xuyên bổ sung, sửa đổi phát sinh nhiều bất cập, chưa đồng bộ, ảnh hưởng tới sự đồng thuận chấp hành của người bị thu hồi đất...

Việc chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho nông dân "hậu thu hồi đất" cũng không dễ dàng. Ở một số huyện như Quốc Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Từ Liêm, Mê Linh... có diện tích đất thu hồi nhiều, nhìn bề ngoài cuộc sống của người dân có vẻ khá giả hơn với nhà cửa khang trang, xe máy đắt tiền, song cuộc sống lại không ổn định như khi vẫn còn đất nông nghiệp. Ông Phùng Quốc Tuệ, Phó phòng Lao động, Thương binh - Xã hội huyện Quốc Oai cho biết, các doanh nghiệp khi tuyển việc làm thường đòi hỏi khá cao, trong khi đó tay nghề của người lao động địa phương còn nhiều hạn chế. Thêm nữa, môi trường làm việc gò bó, lương lại thấp nên họ không thiết tha vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Phần lớn nông dân mất đất sản xuất có sức khỏe, chủ động tìm việc bằng cách vào nội thành làm thuê, chạy xe ôm, buôn bán lặt vặt, cuộc sống rất vất vả.

Vì thế mới có chuyện ở nông thôn, nhiều gia đình có nhà cao tầng, xe máy đắt tiền, nhưng gia chủ lo chạy ăn từng ngày.

Thực tế, hầu hết các địa phương đều quan tâm đến việc đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm tại chỗ để người nông dân ly nông, chứ không ly hương. Thế nhưng, không phải nơi nào nông dân cũng hào hứng tham gia học nghề. Tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, trong năm 2011 đã lên kế hoạch mở 4 lớp đào tạo nghề, nhưng do không có người theo học nên kế hoạch bị phá sản... Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ nông dân bị mất đất không mặn mà tham gia các lớp dạy nghề bởi việc đào tạo nghề cho lao động ở khu vực ngoại thành vẫn đang rơi vào cảnh "đào tạo những nghề gì mình có chứ không phải đào tạo những nghề mà thị trường lao động đang cần" hoặc làm theo kế hoạch chứ chưa tính toán đến hiệu quả sau đào tạo. Vì vậy, sau đào tạo, người học nghề không phát huy được để kiếm kế sinh nhai dẫn tới học viên các lớp này cứ thưa dần. Một lý do khác, khi mở lớp dạy nghề, đơn vị chủ quản đều cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người lao động, song khi kết thúc, các cam kết này hầu như ít được thực thi. Điều này đồng nghĩa với việc kinh phí thành phố bỏ ra hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân không đạt hiệu quả tương xứng.

Đánh giá về "hậu thu hồi đất", lãnh đạo UBND TP Hà Nội thừa nhận, chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề bằng tiền để người dân tự chuyển đổi nghề, tự học nghề hiệu quả còn thấp. Một bộ phận người lao động nông thôn khó khăn trong việc tìm việc làm mới để chuyển đổi nghề. Việc giao đất dịch vụ theo chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cũng đang phát sinh một số bất cập... Nhiều ý kiến cho rằng, cách tốt nhất "hậu thu hồi đất" là mở lớp học ngay trên đồng ruộng, đào tạo nghề theo yêu cầu của người dân, dạy những nghề mà họ muốn học để có thể đáp ứng nhu cầu làm việc của họ. Cùng với việc này, thành phố phải tập trung giải quyết dứt điểm, dành quỹ đất dịch vụ để sớm trả hết cho dân.

Có thể nói, an sinh xã hội với nông dân là vấn đề khó nhưng với người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp lại càng khó khăn hơn. Hai vấn đề nêu ra, nếu được quan tâm giải quyết hợp lý, người nông dân "hậu thu hồi đất" sẽ có được đời sống và việc làm ổn định hơn, kể cả trước mắt cũng như lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau đáu chuyện việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.