Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhọc nhằn những người mẹ đơn thân

Thảo Nguyên| 30/10/2012 10:58

(HNM) - Quá lứa, lỡ thì, đành


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa



Chị Vũ Thị Nga ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức sinh ra vốn kém may mắn vì thể trạng yếu lại có đôi chân tàn tật nên dù đứng tuổi vẫn ở với người mẹ già. Sau khi mẹ qua đời, chị đành "kiếm" đứa con, một thân một mình sinh nở, nuôi con. Từ khi có đứa trẻ, cuộc sống của chị càng thêm khó khăn. Chị nhận làm mây tre đan kiếm hơn chục nghìn đồng/ngày. Nhà có 2 sào ruộng, chị đều phải nhờ chị em hàng xóm cấy, gặt giúp. Con trai lớn lên trong sự thiếu thốn nên cơ thể gầy còm, suy dinh dưỡng, 11 tuổi mà chỉ cao chừng 1m. Ngày qua ngày, bữa ăn của hai mẹ con chỉ là cơm với rau, hiếm khi được bữa thịt, cá. Chị Nga chia sẻ: "Nhiều người bảo cho cháu đi trại trẻ mồ côi hoặc cho đi làm con nuôi nhà người ta để nó được ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng cho con đi rồi sống một mình tủi lắm. Để con sống trong thiếu thốn cũng rất khổ tâm". Càng khổ tâm hơn mỗi khi con bị các bạn giễu vì không có bố, chị phải đối diện với các câu hỏi của con: "Bố con là ai? Vì sao con không có bố…?".

Cùng chung tình cảnh là các chị Phùng Thị Nụ, Nguyễn Thị Huề, Nguyễn Thị Liên… trong số 32 người phụ nữ đơn thân nuôi con ở xã Tiên Phong, huyện Ba Vì. Chị Nụ bị khuyết tật ở chân, "kiếm" được một đứa con trai, 10 năm nay hai mẹ con vẫn rau cháo qua ngày. Chị Liên thì vốn cũng là con của người mẹ đơn thân, lớn lên ốm yếu lại không tinh nhanh nên cũng đành "xin" con làm chỗ dựa. Hai đứa con gái lần lượt chào đời, cuộc sống của 4 mẹ con bà cháu ngày càng rơi vào cảnh khốn khó. Còn chị Huề bị mù hai mắt, có 3 đứa con đều không có bố, ngoài tiền trợ cấp hằng tháng còn có thêm chút thu nhập từ bán chổi, bán tăm. Chị đã phải cho đứa con gái 8 tuổi vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn con được ăn học đủ đầy hơn. Hiện mẹ con chị Huề cũng may mắn được Tổ chức hỗ trợ nhân đạo cho trẻ em Việt Nam hỗ trợ gạo và tiền thức ăn hằng tháng.

Nuôi dạy con trong những gia đình "khuyết" người cha trụ cột thì gánh nặng kép đặt lên vai người mẹ. Đặc biệt, những người mẹ đơn thân ở nông thôn, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, bản thân lại khuyết tật, thu nhập thấp hoặc không có thu nhập thì cuộc sống càng rơi vào khốn khó, nghèo đói hơn. Và bản thân những đứa trẻ sinh ra trong gia đình "khuyết bố" sẽ bị hạn chế phát triển về thể lực lẫn tinh thần.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có 6.739 người phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong đó, cao nhất là huyện Sóc Sơn có 1.350 trường hợp; Thạch Thất 580 trường hợp; Chương Mỹ 663 trường hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn những người mẹ đơn thân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.