Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăn trở ở làng “đi ngô”

Nam Phong| 18/11/2012 07:01

(HNM) - Từ cuối tháng 10 đến nay, gần 1.000 người hành nghề bán ngô luộc ở thôn Yên Thái, xã Tiền Yên (Hoài Đức) đứng ngồi không yên vì thông tin ngô luộc bằng pin, chất hóa học, ăn vào sẽ là tác nhân gây nên bệnh hiểm nghèo.

"Cơn bão dư luận quái ác" đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập và uy tín cho những người dân lao động nghèo hành nghề chân chính ở Yên Thái.

Người dân làng Yên Thái gặp khó khăn vì thông tin trong ngô luộc có chứa hóa chất độc hại.


Chị Nguyễn Thị Đông (thôn Yên Thái) chỉ vào chiếc xe đạp hoen gỉ nằm chỏng chơ góc sân cho biết, đó là tài sản lớn nhất trong mấy chục năm đi bán ngô. Trong căn nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi đen trắng cũ kỹ, mỗi khi trời mưa lại mất nét, âm thanh lúc có lúc không. Từ khi chồng mất, chị Đông phải lặn lội kiếm sống bằng nghề bán ngô luộc để nuôi con ăn học. "Hàng chục năm nay, tôi "đi ngô", chỉ nghỉ ngày lễ, tết và khi ốm đau. Nếu chỉ trông vào mấy sào lúa thì không đủ ăn" - chị Đông chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Tuyết năm nay sang tuổi 57, thâm niên "đi ngô" có nghề nhất, nhì thôn Yên Thái cho biết: Ngoài lượng ngô của gia đình trồng được, gia đình tôi còn mua ngô từ bên ngoài để đi bán khắp khu vực nội thành Hà Nội. Trước kia, trung bình bán được 200-300 bắp mỗi ngày, với giá từ 2.500 đến 5.000 đồng/bắp. Mọi chi tiêu gia đình của hầu hết các hộ, từ sinh hoạt hằng ngày, cho con ăn học đến xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng… đều trông vào bắp ngô. Từ khi có thông tin ngô luộc bằng pin, hóa chất, gần 1.000 người dân "đi ngô" ở Yên Thái mỗi người chỉ bán được khoảng 100 bắp/ngày mà phải đến 3-4 giờ chiều mới được về nhà. Thu nhập vì thế cũng giảm, trước từ 120.000 đến 150.000 đồng/ngày, giờ chỉ được 50.000 đồng.

Trò chuyện với phóng viên Hànộimới chiều 15-11, nhiều phụ nữ thôn Yên Thái đã rất bức xúc trước thông tin ngô luộc bằng pin, chất hóa học mà không nêu cụ thể ở địa phương nào. "Điều này đã gây nên hiểu nhầm không đáng có, làm thiệt hại kinh tế cho những người đang làm ăn chân chính, trong đó có dân Yên Thái chúng tôi. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ đúng sai để đỡ thiệt hại cho nông dân" - bà Tuyết nói. Để minh chứng những gì đã nói, bà Tuyết và một số người dẫn các phóng viên vào một gia đình đang luộc ngô chuẩn bị bán buổi tối. Một nồi quân dụng 100 lít có khoảng 200 bắp ngô đặt trên bếp than lửa đỏ hồng bốc hơi nghi ngút, thơm lừng. Những người dân tiết lộ bí quyết luộc ngô ở đây, nếu là ngô thu hoạch buổi chiều về luộc ngay thì chỉ cần luộc với nước lã, bắp ngô vẫn có vị ngọt thơm, nếu là ngô thu hoạch buổi sáng, buổi chiều hoặc tối, hay hôm sau mới luộc thì phải cho thêm 2 lạng đường đỏ/nồi quân dụng 100 lít hoặc một ít mía để giữ vị ngọt.

Chị Bùi Thị Chiều, 36 tuổi, có hơn 20 năm "đi ngô" ở khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy) than vãn: "Chúng tôi làm ăn chân chính, mà giờ lại bị mất uy tín. Nhiều khách hàng quen trước đây cả tháng 30 ngày ăn ngô, giờ đi qua hàng ngô họ không nói gì. Nhưng cũng có người hiểu và thông cảm, họ nói vẫn thấy tôi uống nước, ăn ngô bình thường nên vẫn mua hàng". Cũng như chị Chiều, hàng trăm người dân Yên Thái vẫn hy vọng người tiêu dùng sẽ hiểu và tiếp tục thưởng thức món ngô luộc dân dã trên những con phố của Hà Nội vào mỗi buổi sớm. Chủ tịch UBND xã Tiền Yên Tạ Đăng Nghiệp rất đồng cảm với những trăn trở của người dân và khẳng định: "Sản phẩm ngô luộc của thôn Yên Thái được luộc bằng phương pháp truyền thống qua hàng chục năm nay, bảo đảm chất lượng. Người Yên Thái không luộc bằng pin, bằng hóa chất như thông tin đã nêu thời gian qua".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở ở làng “đi ngô”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.