Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rối bời quản lý thực phẩm chức năng

Hồng Hà| 19/11/2012 06:39

(HNM) -  Sau 10 năm kể từ ngày có mặt tại thị trường Việt Nam, hiện đã có trên 10 nghìn sản phẩm TPCN được lưu hành, 40% trong đó là sản phẩm nhập khẩu.Tuy nhiên, do tăng trưởng quá nóng, việc quản lý mặt hàng này, đặc biệt là về chất lượng và giá cả vẫn còn nhiều điều đáng bàn.


Theo ông Trần Quang Trung, có 10 vấn đề bất cập liên quan đến quản lý TPCN. Đó là hiện tượng kinh doanh đa cấp; ghi nhãn TPCN sai quy định; TPCN không bắt buộc phải qua thử nghiệm lâm sàng; chưa ban hành được quy định ngưỡng thực phẩm thông thường và thực phẩm bổ sung; quảng cáo vượt quá công dụng, hàng lậu, hàng trốn công bố xuất hiện nhiều trên thị trường; chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng; các phương pháp thử với thảo dược chủ yếu là định tính, chưa định lượng được hàm lượng và giá thành cao.


Thị trường thực phẩm chức năng đang thiếu sự quản lý chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo, ông Trần Quang Trung cho biết thêm: với nhiều sản phẩm TPCN được quảng cáo là "quý hiếm" như đông trùng hạ thảo, hiện cơ quan chức năng chưa xác định được hàm lượng là bao nhiêu, nên có khi sản phẩm chỉ "chạy qua" đông trùng hạ thảo, thật - giả khó mà xác định. Trước sự bất cập nói trên, tới đây các cơ quan chức năng có thể phải ban hành một quy định có tính bắt buộc: TPCN phải qua khâu kiểm định ở các labo độc lập để đánh giá chất lượng sản phẩm.

Quảng cáo TPCN quá mức cũng là một trong những bất cập được nhắc nhiều trong thời gian qua. Thống kê của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, có đến 51% số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm có liên quan đến hành vi, cách thức quảng cáo TPCN. Các sai phạm thường thấy là quảng cáo quá mức, quảng cáo khi chưa được cấp phép, quảng cáo TPCN như là thuốc hoặc sử dụng các hình thức bị cấm để quảng cáo (sử dụng hình ảnh và nhân thân cán bộ y tế để quảng cáo sản phẩm…).

Mặt khác, TPCN không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu do Nhà nước quản lý giá, nên doanh nghiệp có thể tự định giá sản phẩm và hiện tượng mua 1, bán 10, thu lãi cao không phải là chuyện hiếm. Quảng cáo không được kiểm soát đủ chặt chẽ, giá cả không bị "gò" trong khi người tiêu dùng khi mua sản phẩm lại có tâm lý "giá cao - thuốc xịn", lại chịu khó… "nghe đài" nên phía cung cấp rất dễ trục lợi.

Quản lý thế nào?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong 10 năm qua ngành hàng TPCN có sự tăng trưởng quá nóng, đó cũng là lý do khiến các quy định của cơ quan nhà nước chưa theo kịp, vẫn còn những lỗ hổng về cơ chế chính sách đối với mặt hàng TPCN. Trước thực trạng nói trên, Bộ Y tế sẽ tham khảo những quy định quản lý TPCN ở Nhật Bản, Mỹ, các nước EU và ASEAN trong khi xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý TPCN mới, dự kiến sẽ hoàn tất dự thảo vào cuối năm nay để thay thế cho quy định hiện hành về quản lý TPCN (ban hành từ năm 2004) đã có nhiều điểm không còn phù hợp thực tế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học cho biết: Theo quy định hiện hành của EU, các loại TPCN liên quan tới sức khỏe đều phải nêu rõ tần suất và lượng sử dụng, tiềm năng tương tác với các loại thực phẩm khác, tiềm năng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa cơ bản, khả năng xảy ra ADR và dị ứng không dung nạp. Tại Nhật Bản, có thời điểm phía muốn đăng ký lưu hành một loại TPCN đã phải nộp hàng nghìn trang tài liệu; hiện nay, tuy số lượng tài liệu cần nộp khi đăng ký sản phẩm đã giảm nhưng nhãn TPCN vẫn phải bao gồm các chi tiết như liều sử dụng hằng ngày, hướng dẫn chế độ ăn uống hợp lý cho sức khỏe, cảnh báo về việc sử dụng quá liều, các cảnh báo cần thiết khác về liều sử dụng hằng ngày, pha chế hoặc bảo quản.

Tại Mỹ, doanh thu ngành hàng TPCN đã đạt đến 167 tỷ USD vào năm 2010. Ở Việt Nam, số lượng người sử dụng sản phẩm này đang ngày càng lên và nhu cầu sử dụng là có thật. Tuy nhiên, điều cần thiết là chất lượng và giá cả sản phẩm phải ở mức chấp nhận được, không bị quảng cáo quá đà hoặc thổi phồng. Người dân cũng mong mỏi Bộ Y tế có một văn bản quản lý TPCN chặt chẽ, tránh hiện tượng văn bản vừa ra đã có "kẽ hở", "lỗ hổng", tiếp tục gây khó cho việc quản lý thị trường TPCN vốn đã lâm vào cảnh rối bời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rối bời quản lý thực phẩm chức năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.