Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo tiền đề phát triển bền vững cho "đất trăm nghề"

Thanh Hiền| 12/12/2012 07:59

(HNM)  - Nhằm hỗ trợ các làng nghề mở rộng phát triển ở thị trường trong nước và xuất khẩu, Sở Công thương Hà Nội đang triển khai chương trình xúc tiến thương mại:

Hà Nội hiện có hàng trăm làng nghề thủ công được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Ảnh: Bảo Lâm


Phong trào OVOP hình thành, phát triển đầu tiên tại Nhật Bản. Qua gần 25 năm, thành công và kinh nghiệm của phong trào này đã lôi cuốn nhiều quốc gia khác áp dụng, trong đó, Thái Lan, Campuchia… đã thu được những kết quả lớn trong công cuộc phát triển nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân. Việt Nam đã, đang triển khai áp dụng OVOP ở một số địa phương, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, cả nước đã có gần 3.000 làng nghề, sản xuất nhiều mặt hàng XK có giá trị cao. Khi vươn ra thế giới, những sản phẩm này không chỉ mang lại lợi ích về vật chất, mà còn góp phần quảng bá nét đẹp của văn hóa Việt Nam.

Với 1.350 làng có nghề, chiếm khoảng 67% số làng nghề hiện có của cả nước, Hà Nội tự hào là thành phố có nhiều làng nghề thủ công nhất thế giới, với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Trong đó, có nhiều làng nghề truyền thống được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ, tập trung ở huyện Chương Mỹ (174 làng), Phú Xuyên (124 làng), Thường Tín (125 làng), Ứng Hòa (113 làng)... Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, có một số làng đạt doanh thu rất cao, như mộc Vạn Điểm 240 tỷ đồng/năm; gốm, sứ Bát Tràng 350 tỷ đồng/năm… Các làng nghề Hà Nội đã tạo việc làm cho khoảng 800.000 lao động, với thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/năm. Không chỉ góp phần tạo việc làm và thu nhập cho thợ thủ công, làng nghề Hà Nội còn tạo dấu ấn văn hóa rất đặc trưng.

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng sự phát triển làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội còn nhiều hạn chế về mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Khó khăn đầu tiên của phát triển phong trào OVOP là nhận thức của người dân. Họ chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường, chưa có cách quản lý khoa học để có sản phẩm chất lượng tốt, thậm chí chưa nhận thức được thế mạnh của mình. Đặc biệt, các sản phẩm nhập ngoại có chất lượng tốt, nên nhiều sản phẩm của nước ta chưa cạnh tranh được. Mặt khác, do tập quán giữ bí quyết làng nghề còn khá nặng nề, nên chưa có sự chia sẻ giữa các gia đình trong làng về kỹ thuật sản xuất; việc quảng bá cho phong trào này ở các địa phương còn nhiều hạn chế… Do đó, việc phát triển mỗi làng một sản phẩm chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trước thực tế đó, để phục vụ mục tiêu đẩy mạnh XK và tiêu thụ nội địa giai đoạn 2012-2015, Sở Công thương Hà Nội đã trình UBND TP phê duyệt chương trình XTTM "Mỗi làng một sản phẩm". Đối tượng của chương trình được chia làm 4 nhóm: Nhóm 1, là nhóm mặt hàng/làng nghề tiêu biểu có giá trị sản xuất hằng năm cao, đang XK hoặc có tiềm năng XK cao. Nhóm 2, là các làng nghề sản xuất những mặt hàng có thể được thiết kế lại cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại của thị trường nội địa và thế giới để nâng cao giá trị sản xuất. Nhóm 3, là nhóm mặt hàng có tiềm năng phát triển giá trị sản xuất thông qua phát triển du lịch. Nhóm 4, là nhóm các sản phẩm mới mà thị trường có nhu cầu cao và cần thiết phải nhân cấy tại các làng nghề. Chương trình XTTM lần này được chia ra theo giai đoạn từng năm, tương ứng với các hoạt động và lộ trình cụ thể, như khảo sát tiềm năng, xác định tiêu chí xếp hạng… Mục tiêu chính của chương trình trong thời gian tới là lựa chọn những sản phẩm OVOP Hà Nội đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và XK. Bên cạnh đó, sẽ hình thành hệ thống tiêu chí chấm điểm, phân loại xếp hạng cho các sản phẩm. Đặc biệt, chương trình OVOP Hà Nội sẽ có đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt giúp mở rộng thị trường và là đầu mối thu gom sản phẩm OVOP để XK.

Để xây dựng phong trào OVOP xứng tầm với quy mô và vị thế của làng nghề Thủ đô, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước bằng những chính sách phù hợp hơn, tạo môi trường thuận lợi hơn. Trong đó, cần có quy hoạch cụ thể để làng nghề có địa điểm sản xuất, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Các nhà sản xuất cũng cần chủ động nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm theo nhu cầu thị trường; phát triển sản phẩm mới có tính sáng tạo, mang bản sắc văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo tiền đề phát triển bền vững cho "đất trăm nghề"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.