Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyên nhân khiến trẻ thấp còi

Lâm Vũ| 05/02/2013 06:48


98% trẻ được bú sữa mẹ

Số liệu điều tra trên 1.200 bà mẹ tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh... của Viện Gia đình và Giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy, tỷ lệ trẻ đã từng được bú mẹ là 98%, thời gian bú mẹ trung bình là 15 tháng tuổi. Nhận thức về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ rất cao. 88% bà mẹ hiểu đầy đủ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, 70% biết khuyến cáo của ngành y tế cho con bú đến 24 tháng tuổi, 76% cho rằng 24 tháng là khoảng thời gian tốt nhất duy trì việc cho bé bú mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ được bú ngay trong vòng 1 giờ sau khi sinh theo khuyến nghị của ngành y tế tương đối thấp, chỉ đạt 42,6%, do trẻ phải can thiệp y tế khi sinh. Bên cạnh đó, chỉ có 1/3 số bà mẹ thực hiện cho con bú đúng cách.


Nhằm bảo đảm việc nuôi con bằng sữa mẹ, Nhà nước đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách quan trọng. Điển hình là Nghị định 21/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em. Nghị định này được quốc tế đánh giá là một trong những chính sách bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ tích cực nhất, có nhiều điểm vượt xa so với các khuyến nghị của Bộ quy tắc quốc tế về bán ra thị trường các sản phẩm thay thế sữa mẹ của WHO.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Gia đình và Giới cũng chỉ ra rằng, việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ trên thực tế chưa tối ưu do thời gian và hoàn cảnh làm việc của bà mẹ. Ví dụ, nhóm các bà mẹ không đi làm có tỷ lệ cho con bú đến 2 tuổi rất cao, trong khi nhóm các bà mẹ công nhân, nhân viên có tỷ lệ cho con bú đến 2 tuổi rất thấp. Theo GS, TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, để tiếp tục giảm tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, cần có các cơ chế bảo đảm và biện pháp đẩy mạnh chủ trương nuôi con bằng sữa mẹ theo khuyến cáo đã đưa ra, như cho trẻ bú sớm sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho con bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Ăn bổ sung chưa đầy đủ và đúng cách

Sữa mẹ là thức ăn đầu tiên và tốt nhất cho trẻ nhỏ, nhưng sau 6 tháng, trẻ phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng đòi hỏi cao nên cần được cho ăn bổ sung. Tốt nhất là cho trẻ ăn thêm các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ đúng thời điểm, đúng độ tuổi, hợp lý về số lượng, chất lượng, cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng và được chế biến đúng cách. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, chỉ có 51,7% trẻ em Việt Nam được nuôi bổ sung đúng và đủ. Tình trạng thiếu các vi chất như vitamin A, vitamin C và sắt khá cao, chỉ đạt 30-50% nhu cầu của trẻ, trong khi khẩu phần canxi trung bình chỉ đáp ứng được 49% nhu cầu. Theo khảo sát, chỉ có 34,7% các bà mẹ thực hành cho trẻ ăn bổ sung theo đúng thời điểm được khuyến nghị, tức là kể từ 6 tháng tuổi. Tỷ lệ các bà mẹ ở thành thị cho trẻ ăn bổ sung trước 5 tháng tuổi cao hơn so với các bà mẹ ở nông thôn (70,7% so với 63,3%). Các bà mẹ là công nhân, viên chức cho trẻ ăn không đúng cách cao hơn đáng kể so với các nhóm còn lại (88,2% so với 60%). Cũng chỉ có gần 1/3 số bà mẹ cho con ăn đúng và đủ, nghĩa là thức ăn gồm 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. PGS, TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới chia sẻ: "Thông tin về sản phẩm dinh dưỡng bổ sung được dẫn dắt bởi các quan niệm và thói quen truyền thống, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Các bà mẹ chủ yếu tìm kiếm thông tin từ gia đình và bạn bè. Nguồn thông tin về dinh dưỡng bổ sung cho trẻ nhỏ cũng chưa được phổ biến tới họ một cách có hệ thống thông qua các cơ sở y tế và các kênh xã hội hóa chính thống khác. Do vậy, việc hỗ trợ để các bà mẹ có lựa chọn dinh dưỡng bổ sung tốt nhất cho trẻ nhỏ từ 6-24 tháng còn nhiều hạn chế".

Nhà nước đã có Luật Lao động sửa đổi, nâng thời gian nghỉ sau sinh cho các bà mẹ lên 6 tháng. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, song vẫn cần có các quy định bảo đảm các quyền lợi vật chất, nghề nghiệp cho người mẹ để họ yên tâm chăm nuôi trẻ theo đúng khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân khiến trẻ thấp còi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.