Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hương của Tết

Sâm Thương| 10/02/2013 07:01

(HNM) - Với tôi, thích nhất tết không phải chỉ là được quây quần sum họp với gia đình mà còn là thưởng thức hương vị tết, trong đó được tắm gội lá mùi.


Đường phố Hà Nội xuất hiện những gánh mùi già với hương thơm đầy lưu luyến từ khoảng tháng 10 âm lịch. Khi đó những chiếc xe đạp cũ mèm, hoen gỉ chở phía sau những bó mùi sậm xanh, có hoa trắng muốt hoặc quả li ti đi ngang qua phố, cồng kềnh, nhưng lại nhẹ tênh. Những mớ mùi già mỏng xíu, buộc hờ bằng mấy cọng rơm, theo những chiếc xe cọc cạch len lỏi trong chộn rộn phố phường, tỏa thứ hương dịu ngọt, quyến luyến như báo hiệu mùa Xuân đang đến thật gần.

Chẳng biết từ bao giờ người Hà Nội có thói quen tắm lá mùi già vào ngày áp tết. Có người nói tắm lá mùi ngày Tất niên để thân thể sạch sẽ mà nghênh đón xuân sang. Có người lại bảo gột rửa mình trong mùi hương thiên nhiên ấy để bỏ đi những muộn phiền, những sự không may của năm cũ… Thế nào đi nữa thì tắm lá mùi cũng là một phong tục đẹp, rất riêng của người Hà Nội mỗi độ Xuân về. Với tôi, cái mùi hương nhẹ nhàng lan tỏa từ thứ nước sóng sánh ấy đong đầy hoài niệm tuổi thơ. Những sáng mồng Một mẹ thường dậy sớm, nấu nước lá mùi cho cả nhà rửa mặt. Năm nào cũng vậy, mẹ dành một bó mùi già nguyên vẹn cả hoa lẫn trái cắm vào lọ rất cũ, bày nơi góc nhà để hương mùi tỏa ngát. Cái lọ cũ kỹ ấy được cất trên gác xép chỉ có tết mới đem xuống, dành riêng cắm mùi già. Lớn lên là những ngày lang thang đón gió bên sông Hồng, vui đùa tung tăng trên những cánh đồng trải dài miên man, ngào ngạt hương mùi xen lẫn cải xanh, cúc vàng… Cái không gian căng tràn mùi hương của đất, của trời, của cảnh vật đã theo tôi đến tận hôm nay...

Cây mùi bất cứ ai cũng biết! Mùi được gieo trồng bằng hạt, khi cao chừng hai gang tay, mùi lên hoa trắng muốt, tỏa hương ngào ngạt cùng lá, cùng thân. Những cây mùi bắt đầu già, thân chuyển dần từ xanh sang tía sẫm, dần dần chi chít những trái. Quả mùi giống như hạt đỗ xanh, nhưng có màu sậm hơn. Và khi người ta đun lên, sôi vừa tới, mùi già cho hương thơm ngan ngát. Thứ nước tắm gội thật quyến rũ, không giống bất cứ mùi hương vị nào, không loại mỹ phẩm nào có được, bởi nó được kết lại từ đất, từ hương của trời ... Đời cây mùi tuy ngắn ngủi, nhưng đã kết thành hương thơm để bao thế hệ, bao đời người đeo đẳng.

Nếu ai đó hỏi tôi, ngày tết nhớ nhất mùi vị nào? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng: Hương của lá mùi già! Mùi thơm của nước mùi già lạ lắm, ấm áp và mênh mang một niềm thương nhớ. Không biết bao nhiêu bà, bao nhiêu chị, bao nhiêu em đã làm đẹp mái tóc bằng cách gội đầu bằng lá mùi, dù phải lích kích đun nấu. Hương mùi già như hư ảo, vấn vít với bao thời gian, bao con người, không ai biết được. Chỉ có thể biết chắc rằng trong cuộc sống đời thường bận rộn lo toan ngày nay các loại sữa tắm, nước hoa đang làm mất dần đi hương mùi xưa cũ.

Thế nhưng điều không thể mất là cứ đến chiều Ba mươi tết nhà nhà giữ nếp cũ, đun trên bếp nồi lá mùi già. Từ nhà ra ngõ, từ phố này sang phố kia, hương mùi len lỏi trong gió. Hương mùi già chỉ thoảng trong ngày Tết, thôi, nhưng cho người ta nhớ mãi, mùi ấy chính là mùi của quê hương, mùi của Tết... Mùi hương ấy không thể phôi pha dẫu năm tháng có thể xóa nhòa cả một thời tuổi trẻ. Mùi hương ấy ăn sâu vào tâm thức con người. Hương mùi già: Mùi hương của Tết!

Vài ngày nữa là hết một năm, Xuân mới đang về trên từng ô cửa, từng bậc thềm nhà. Dòng người trên phố không ngớt tấp nập trong cái lạnh sắc lẹm. Len chân trong những người đi chợ sắm Tết, kĩu kịt gồng gánh, nườm nượp bán mua. Mỗi người như vồi vội trong cái cấp tập của phố phường. Trong cái chen chúc chật chội đó, chiếc xe đạp chở mùi già cứ thong dong, nhẩn nha len lách những ngõ nhỏ, phố nhỏ... Lá, quả và hoa mùi lan tỏa trong không gian tạo nên một nét rất đặc trưng: Tết về!...  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hương của Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.