Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngậm ngùi… rau sắng chùa Hương

Đỗ Minh| 24/02/2013 06:51

(HNM) - Cứ mỗi độ xuân về, người hành hương về đất Phật, xã Hương Sơn (Mỹ Đức), có chùa Hương nổi tiếng, lại mong muốn thưởng thức canh rau sắng đặc sản được tạo nên bởi đất trời nơi đây.

Thu hoạch rau sắng tại xã Hương Sơn.


"Muốn ăn rau sắng chùa Hương/Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa/Mình đi ta ở lại nhà/Cái dưa thì khú cái cà thì thâm"... Từ lâu, rau sắng đã đi vào thơ ca và trở thành một sản vật không thể thiếu tại chùa Hương. Mở đầu câu chuyện về cây rau sắng, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Hương Sơn Nguyễn Duy Giáp cho biết, không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một, ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên, phải mất ít nhất 3-5 năm và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Đây là loại rau quý hiếm, lại nổi tiếng thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, không những bổ dưỡng mà còn có tác dụng chữa bệnh. Cây rau sắng mọc tự nhiên trên vách đá ở núi rừng Hương Sơn. Và chỉ ở núi rừng Hương Sơn, cây rau sắng mới có thể sinh sống, phát triển và cho chất lượng tốt nhất. Điều khác với phần lớn các loại cây rau khác, rau sắng có cây cái và cây đực. Cây cái dân gian gọi là cây sắng nếp, mới cho quả và hạt. Ở khu vực chùa Hương hiện chỉ còn hai cây sắng nếp nhiều năm tuổi. Đây được coi là một tài sản quý giá của chùa Hương và ngành du lịch Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thơ, ở thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn bộc bạch: Không biết từ khi nào, rau sắng trở thành món ăn ngon không thể thiếu với người Hương Sơn, nhưng khởi nguồn, dân Hương Sơn vào núi kiếm củi, thấy cây mọc bên những vách núi xanh mướt, nên hái về ăn. Vị ngọt, bùi, thanh của rau được truyền miệng từ người này sang người khác. Và cũng không biết từ đâu, loài rau đó được các vị tổ sư trong xã đặt là rau sắng. Mùa rau sắng bắt đầu từ cuối tháng Hai đến tháng Ba âm lịch. Ban đầu, người Hương Sơn chỉ nấu rau sắng trong bữa cơm gia đình, dần dần mang ra nấu để phục vụ du khách hành hương. Với vị ngon đặc biệt, ngày nay rau sắng đã trở thành món ăn được ưa chuộng và trở thành món quà không thể thiếu đối với mỗi người, khi hành hương về miền đất Phật.

Để kiếm được rau sắng, người dân phải vào rừng sâu, trèo lên những vách núi đá cao. Càng trên vách núi cao rau càng ngon hơn. Chị Đồng Thị Định, ở thôn Yến Vĩ tâm sự: Trước kia cứ mỗi lần vào rừng người dân lại hái đủ rau sắng ăn cả tháng. Song, do nhu cầu thị trường ngày một cao, việc bảo tồn phát triển cây đặc sản trên cũng chưa được quan tâm, rau sắng đang dần khan hiếm. Hiện, cả xã chỉ còn trên 30ha rau sắng, rải rác trong rừng. Đa phần các cây ở trong rừng sâu, rất khó thu hái. Đáng buồn, rừng Hương Sơn cũng chỉ còn lác đác vài cây sắng cổ thụ.

Để khôi phục và phát triển cây rau sắng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kết hợp với Ban quản lý Rừng đặc dụng Hương Sơn lập dự án "Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm, đặc hữu tại rừng đặc dụng Hương Sơn", trong đó có rau sắng. Theo kế hoạch, dự án được triển khai trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2011, với kinh phí khoảng 75 tỷ đồng... Dự án được triển khai trên diện tích khoảng 250ha, trong đó rau sắng trồng mới 170ha, cải tạo 30ha sẵn có; cây mơ 45ha; củ mài 5ha. Khi thành công, mỗi năm sẽ cho thu hoạch khoảng 160kg rau sắng/ha/năm, với giá 300-400 nghìn/kg, vào mùa hội có thể lên đến 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg. Trung bình một năm, toàn xã sẽ thu được gần 11 tỷ đồng từ phát triển 3 loại cây đặc sản nêu trên.

Đặc biệt, dự án sẽ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời lưu giữ được những sản phẩm văn hóa phi vật thể tại chùa Hương. Bên cạnh đó, còn góp phần nâng cao độ che phủ, đa dạng sinh học, phát triển rừng. Tuy nhiên, do cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi, hiện dự án khôi phục cây đặc sản tại Hương Sơn vẫn dang dở. Ông Nguyễn Duy Giáp khẳng định, dù dự án chưa được phê duyệt, triển khai, song để bảo tồn và phát huy cây đặc sản, Ban quản lý Rừng đặc dụng Hương Sơn vẫn xây dựng phương án khôi phục và nhân giống trồng... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngậm ngùi… rau sắng chùa Hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.