Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội không tăng giá dịch vụ y tế vào tháng 9

Theo VGP News| 28/04/2013 15:03

Để việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lần này không gây ra đột biến lớn, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ tránh điều chỉnh vào tháng 9 vì đây là tháng đầu năm học mới, đồng thời sẽ không thực hiện mức tối đa ngay mà có lộ trình thực hiện dần, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cân đối quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT).

Trong năm 2013, TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số ít bệnh viện hạng I của các Bộ, ngành như Quân đội, Công an, Giao thông vận tải, Bưu điện sẽ phải hoàn tất việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế.


Trao đổi với phóng viên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, dự kiến, TP. Hà Nội sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế vào quí III/2013, TP. Hồ Chí Minh dự kiến vào quý IV/2013.

Để việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lần này không gây ra đột biến lớn, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ tránh điều chỉnh vào tháng 9 vì đây là tháng đầu năm học mới, đồng thời sẽ không thực hiện mức tối đa ngay mà có lộ trình thực hiện dần, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cân đối quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT).


Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, từ tháng 6/2012 đến nay, đã có 61/63 tỉnh, TP. thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế ở mức 60-80% mức tối đa, chỉ có một số bệnh viện đặc biệt tuyến cuối, chữa trị người bệnh nặng, hiểm nghèo, triển khai các kỹ thuật cao, chi phí lớn thì giá ở mức trên dưới 90% giá tối đa.

Đảm bảo Quỹ BHYT và khả năng chi trả của người dân

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết lần điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số bệnh viện ngành áp dụng cho 447 trong tổng số hơn 3.000 dịch vụ y tế, nên mức ảnh hưởng không nhiều. Đặc biệt là nhóm người có thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) (chiếm 68% dân số), sẽ có lợi nhất và ít bị ảnh hưởng từ lần điều chỉnh này.

Cụ thể, nhóm người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi đã được Nhà nước mua thẻ BHYT, được BHYT thanh toán 100% chi phí theo quy định nên sẽ không bị ảnh hưởng. Nhóm người về hưu, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước cũng đã cấp thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh, BHYT thanh toán 95%, nên chỉ phải đóng thêm 5% của số tăng thêm. Các đối tượng khác có thẻ BHYT được thanh toán 80%, chỉ phải đóng 20% của số tăng thêm.

Trong tổng số tiền viện phí mà người bệnh phải trả có khoảng 70% là tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất mà người bệnh trực tiếp sử dụng trong những ngày điều trị, thu theo thực tế sử dụng và giá mua của bệnh viện nên không bị ảnh hưởng bởi lần điều chỉnh giá này.

Đối với 1/3 dân số chưa có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất… Để hạn chế tác động từ lần điều chỉnh này, Bộ Y tế đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 797/QĐ-TTg nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT lên 70% cho người cận nghèo, người cận nghèo chỉ phải đóng 30%, đồng thời khuyến khích các địa phương cân đối ngân sách địa phương để đóng nốt 30% còn lại và một số tỉnh đã thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang trình Thủ tướng Chính phủ mức hỗ trợ 100% đối với người cận nghèo tại các huyện nghèo, người cận nghèo mới thoát nghèo; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 14/2012/QĐ-TTg thành lập Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo để hỗ trợ các trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo có chi phí lớn.

Đối với người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình, Luật BHYT đã quy định Nhà nước hỗ trợ 30% để đối tượng này tham gia BHYT.

Về đảm bảo khả năng cân đối quỹ BHYT, đây là một trong những yếu tố quan trọng mà liên Bộ Y tế, Tài chính đã tính toán đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Thực tế đến hết năm 2012, Quỹ BHYT đã bảo đảm chi trả và có kết dư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội không tăng giá dịch vụ y tế vào tháng 9

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.