Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức khỏe người giúp việc gia đình: Ít được quan tâm

Lâm Vũ| 10/05/2013 06:41

(HNM) - Chăm sóc sức khỏe cho người lao động nói chung và người lao động giúp việc gia đình nói riêng là cần thiết và bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, có 3 loại hình giúp việc phổ biến là chăm sóc người bệnh tại bệnh viện, giúp việc sống cùng và giúp việc không sống cùng chủ sử dụng lao động. Xét về môi trường làm việc, người lao động giúp việc chăm sóc người bệnh có nhiều nguy cơ gặp rủi ro về sức khỏe nhất bởi họ thường xuyên phải làm việc trong môi trường bệnh tật và trực tiếp tiếp xúc với người bệnh. Nâng giấc, cho ăn uống, làm vệ sinh cho những người bệnh trọng hoặc thậm chí bệnh lây nhiễm nhưng chỉ có 61% được trang bị khẩu trang và 74% được trang bị găng tay, ngoài ra không có phương tiện bảo vệ gì khác. Cũng theo nghiên cứu, có 1/3 người lao động giúp việc tại bệnh viện đã được đào tạo nghề, nhưng kiến thức có được qua các lớp này phần lớn là kỹ năng chăm sóc người bệnh, cách thức sử dụng một số trang thiết bị y tế, còn các biện pháp phòng chống phơi nhiễm hầu như bị bỏ qua. Dù rất nhiều người lao động nhận thấy, môi trường và tính chất công việc mà họ đang làm có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không mấy người khám sức khỏe định kỳ.

Đào tạo nghề giúp việc gia đình tại Công ty Perfect Việt.



Vì là lao động chân tay nên bị thương tích trong quá trình làm việc là điều khó tránh khỏi đối với người giúp việc. Tỷ lệ này không cao, 16,8% đối với người giúp việc sống cùng và 13% với những người không sống cùng gia đình chủ và chỉ 1% với những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân, thế nhưng ứng xử của gia đình chủ khi người giúp việc bị thương tích đã gợi lên nhiều nỗi lo. Bởi lẽ có một bộ phận đáng kể gia đình chủ bỏ mặc người lao động bị thương tích. Theo điều tra, có 13,4% với người sống cùng, 30,8% với người không sống cùng và 42,9% lao động giúp việc tại bệnh viện không được chủ hỏi han chăm sóc khi bị thương tích. Đơn giản, vì người sử dụng lao động không biết và người lao động giúp việc cũng không nói.

Không bảo hiểm y tế

Tỷ lệ người lao động giúp việc có bảo hiểm y tế (BHYT) không nhiều, chỉ khoảng 22%. Phần lớn những người có BHYT là do họ tự chi trả hoặc thuộc diện Nhà nước bao cấp. Nếu tính trong số những người có BHYT, tỷ lệ được gia đình chủ mua cho là 8,3%, tỷ lệ cùng chi trả là 0,8%. Còn trong số 600 người lao động giúp việc trong mẫu điều tra, chỉ có 2% người lao động giúp việc được chủ nhà mua hoặc cùng mua BHYT. Theo Luật BHYT, "người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động" cũng là một trong những đối tượng tham gia BHYT. Nhưng theo nghiên cứu này, dù người lao động có thời gian làm việc cho gia đình chủ tối thiểu là 6 tháng song đa số không có BHYT.

Trong 3 nhóm lao động, nhóm lao động giúp việc tại bệnh viện có tỷ lệ có BHYT cao nhất (40%). Hầu hết người lao động giúp việc tại bệnh viện và nhóm lao động giúp việc không sống cùng gia đình có BHYT là do họ tự mua, còn phần đông những người lao động giúp việc sống cùng gia đình chủ có BHYT là do họ thuộc đối tượng chính sách. Khi được hỏi vì sao không mua BHYT, những người phụ nữ giúp việc nhà trả lời rằng, họ thấy sức khỏe tốt nên không cần đến BHYT, có người thì không biết gì về BHYT, có người muốn mua nhưng không có tiền. Thêm nữa, phần lớn người lao động giúp việc là người ngoại tỉnh, đến thành phố kiếm tiền nhưng không được đăng ký tạm trú, nên nếu họ mua BHYT tự nguyện tại địa phương nơi họ thường trú thì khi ốm đau phải về nhà khám chữa bệnh cũng rất bất tiện. Làm giúp việc cho các gia đình thường không có thời hạn, có thể kết thúc bất kỳ lúc nào mà BHYT lại có thời hạn một năm, khiến cả người thuê lẫn người làm thuê đều ngại chi cho khoản này.

Theo Trung tâm quốc gia Dự báo và thông tin thị trường lao động, nhu cầu thuê người lao động giúp việc của các gia đình trong thời gian tới là rất lớn. Dự báo, số lượng việc làm trong ngành "hoạt động làm thuê trong hộ gia đình" sẽ lên đến con số 246.000 người vào năm 2015. Việc phát triển nghề "giúp việc gia đình" thành một việc làm bền vững là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ rất khó đạt được nếu như sức khỏe của người lao động giúp việc không được quan tâm như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức khỏe người giúp việc gia đình: Ít được quan tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.