Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước sinh hoạt ngoại thành: Thiếu mô hình quản lý, khai thác phù hợp

Hữu Hoài| 22/05/2013 06:02

(HNM) - Cấp nước sinh hoạt nông thôn của Hà Nội lâu nay tồn tại nhiều yếu kém, bất cập cả trong quản lý, khai thác, sử dụng.

Từ nhiều năm nay, nguồn nước sạch luôn là khát khao của người dân xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Thiếu nước sạch, nỗi lo về bệnh tật do sử dụng nước không hợp vệ sinh luôn đeo bám, ám ảnh cuộc sống người dân. Điều người dân mong mỏi là sự quan tâm của các cấp, các ngành, sớm có giải pháp để được sử dụng nước sạch. Năm 2010, thành phố đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng công trình xử lý nước sạch cho người dân thôn Quảng Nguyên. Sau một năm, các hạng mục chính như hệ thống bể lọc, bể lắng, máy bơm... đã cơ bản hoàn thành. Hàng nghìn mét đường ống dẫn nước đã tập kết tại chân công trình để chuẩn bị lắp đặt. Nhưng do thiếu kinh phí đầu tư cho mạng cung cấp nước, lắp đặt đồng hồ đo đếm tại các hộ dân... nên buộc phải dừng lại, gây lãng phí tiền của Nhà nước, bức xúc cho nhân dân.


Tương tự, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, năm 2000, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm cấp nước xã Phù Đổng với tổng mức đầu tư gần 4,5 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư. Đầu năm 2001, công trình được khởi công xây dựng, đến cuối năm hoàn thành bàn giao cho UBND xã quản lý, sử dụng. Sau khi tiếp nhận, UBND xã Phù Đổng đã giao lại cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Phù Đổng duy trì vận hành hoạt động của trạm cấp nước sạch. Mặc dù có nguồn nước sạch, nhưng do thói quen dùng nước giếng khoan, nước mưa trong sinh hoạt, ăn uống; thiếu kinh phí lắp đặt đường ống từ trục chính về các hộ... nên công trình không phát huy hết công suất và dừng hoạt động. Nhiều hạng mục của công trình trạm cấp nước bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Qua rà soát của Sở NN&PTNT Hà Nội, số lượng công trình cấp nước ở khu vực ngoại thành "đắp chiếu" ngày càng nhiều. Trong tổng số 123 trạm cấp nước được thành phố đầu tư xây dựng, có tới 25 trạm dừng hoạt động. Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho biết, các trạm cấp nước do thôn, xóm, HTX, UBND cấp xã và doanh nghiệp tự quản lý, thời gian đầu phát huy hiệu quả, nhưng sau đó đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đến nay, thành phố vẫn chưa xây dựng được quy chế quản lý, khai thác các công trình cấp nước để tổ chức quản lý thống nhất. Vì vậy, mỗi địa phương có một hình thức quản lý, khai thác khác nhau. Trong khi đó, phần lớn các ban quản lý cấp xã, HTX, thôn, xóm không có chuyên môn, quản lý kém, không đủ kinh phí để kịp thời sửa chữa nên công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng, dẫn tới chất lượng nước không bảo đảm. Nhiều công trình cấp nước tập trung chưa chú trọng đến việc khử trùng, chưa chú ý đến việc kiểm tra và quản lý chất lượng nước. Có trạm cấp nước chỉ phân tích, xét nghiệm mẫu nước một lần/năm, nhiều trạm không tiến hành kiểm tra... Chất lượng nước cung cấp cho người dân không được công bố, cơ quan chức năng cùng lắm một năm chỉ kiểm tra một đến hai lần - ông Dương phân trần.

Theo ông Dương, cần phải thống nhất mô hình quản lý nước sinh hoạt nông thôn của Hà Nội cho phù hợp. Hiệu quả nhất hiện nay và được nhiều địa phương đang áp dụng là mô hình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường quản lý. Ông Dương dẫn chứng, kể từ khi Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận được UBND tỉnh giao chủ đầu tư và quản lý khai thác hệ thống cấp nước ở nông thôn, tính chuyên nghiệp, trình độ áp dụng khoa học công nghệ cũng như chất lượng, dịch vụ cung cấp nước nâng lên rõ rệt. Trung tâm này có hơn 200 cán bộ, quản lý 38 hệ thống cấp nước, tổng công suất 22.000m3/ngày đêm với 740km đường ống dẫn, bảo đảm cấp nước cho 24.000 khách hàng ở nông thôn. Toàn bộ khoản chi thường xuyên cho các hoạt động của trung tâm này được lấy từ nguồn thu sản xuất và cung cấp dịch vụ nước sạch. Tương tự, TP Hồ Chí Minh, từ khi đảm nhiệm công trình cấp nước nông thôn, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố đã cấp nước sinh hoạt cho 99% dân số ở nông thôn và nhiều quận nội thành. Với Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh bố trí ngân sách giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ tinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng toàn bộ các công trình cấp nước; đồng thời đảm nhiệm quản lý, vận hành sau đầu tư, lập kế hoạch bảo dưỡng, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước. Ông Dương cho biết, Hà Nội đã tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình quản lý của các tỉnh, thành phố, nhưng vẫn loay hoay chưa thực hiện được do thiếu cơ chế, chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sinh hoạt ngoại thành: Thiếu mô hình quản lý, khai thác phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.