Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một bác sĩ tâm huyết

Tuệ Diễm| 26/05/2013 06:18

(HNM) - Sinh năm 1956 tại Hà Nội, lớn lên, nối nghiệp y của bố mẹ (PGS Lê Thân và PGS Đỗ Thị Hoàng Dung - Học viện Quân y), nhưng PGS-TS-BS Lê Anh Thư lại tạm biệt Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ thành lập chuyên khoa xương khớp.

Bây giờ, BS Lê Anh Thư là một gương mặt quen thuộc trên các chuyên mục tư vấn sức khỏe của các báo và đài truyền hình, như "Bác sĩ gia đình", "Sức khỏe đời sống"... Trước ánh mắt ngạc nhiên của chúng tôi về ngôi nhà tràn ngập ánh sáng tự nhiên, thoáng đãng dù nằm ngay sau lưng Bệnh viện Chợ Rẫy, chốn đất chật người đông của chị, BS Thư mỉm cười giải thích: "Tôi tận dụng ánh sáng tự nhiên, thiết kế nhiều cửa và ban công rộng rãi để da được hấp thụ ánh sáng mặt trời, bổ sung vitamin D - là chất cần thiết để cơ thể hấp thụ, phòng ngừa bệnh loãng xương".

PGS - Bác sĩ Lê Anh Thư thuyết giảng về căn bệnh loãng xương.


Sau khi tốt nghiệp ĐH Y tại Hà Nội (năm 1979) và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, năm 1987, BS Lê Anh Thư chuyển vào TP Hồ Chí Minh công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy với ước mơ xây dựng được chuyên khoa xương khớp. Đây là một chuyên khoa rộng, đòi hỏi phải đầu tư lớn về nhân lực và liên kết chặt chẽ trong hệ thống nội khoa. Trước hàng loạt khó khăn, ngay sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, BS Thư dành phần lớn thời gian định hình dần chuyên khoa Khớp, cả về quy trình, chuyên môn, nhân vật lực. Tâm huyết, kiên trì từng ngày, từng giờ và bền bỉ suốt nhiều năm trời cho ý tưởng, BS Thư đã nhận được rất nhiều sự tin tưởng, ủng hộ, sự giúp đỡ, động viên của nhiều nhà khoa học đầu ngành và đồng nghiệp. Tới năm 2001, khoa Nội Cơ - Xương - Khớp (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã ra đời, do chính BS Thư điều hành. Đến nay, khoa Nội Cơ - Xương - Khớp đã qua chặng đường 12 năm, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống các khoa chuyên sâu của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Là người đã từng chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân bị loãng xương, BS Lê Anh Thư trăn trở: "Người ta vẫn quan niệm sai lầm rằng bệnh loãng xương chỉ tập trung vào cư dân sinh sống tại Bắc Âu, nơi thiếu ánh sáng mặt trời, hạn chế bởi việc hấp thụ tạo canxi. Thực tế tại Việt Nam, dù ánh nắng chan hòa nhưng quy mô loãng xương của người Việt không kém so với nơi thiếu ánh nắng". Chính bởi trăn trở đó, BS Thư năng nổ, đi đầu trong ban vận động thành lập Hội Loãng xương. Nhờ vậy, năm 2006, Hội Loãng xương Hà Nội đã ra đời. Không chỉ dừng ở đó, ba tháng sau, BS Thư cùng với nhiều BS các khoa xương khớp lập tiếp Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh nhằm tăng cường nhận thức cho người dân về căn bệnh phổ biến, nguy hiểm này. BS Thư đã tổ chức thành công 7 kỳ hội nghị thường niên về loãng xương, phổ biến kiến thức cho người dân suốt từ Đà Nẵng đến Cần Thơ. Vào tháng 8-2013 tới, Hội sẽ phối hợp cùng Hội Y học TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị loãng xương Châu Á với chủ đề "Loãng xương ở người Châu Á".

Bây giờ, dù thôi giữ cương vị Trưởng khoa ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng BS Thư vẫn không hề ngơi nghỉ. Ngược lại, một ngày làm việc của BS kéo dài từ 7h sáng tới 23h đêm với dày đặc công việc như: Chữa bệnh, đi nói chuyện, đi dạy rồi đi chấm thi cho sinh viên… "Ai mời nói chuyện về bệnh xương khớp, tôi đều không từ chối. Bệnh xương khớp "đớp" vào tim tôi rồi!" - BS Thư cười. Và chúng tôi còn sửng sốt hơn trước sức làm việc của người phụ nữ đó khi biết BS Thư hiện vẫn đảm trách hàng loạt công việc nặng nề khác như: Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội tổng quát, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam; Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thấp khớp học TP Hồ Chí Minh; Ủy viên BCH Hội Nội khoa Việt Nam và Ủy viên BCH Hội Y học TP Hồ Chí Minh.

BS Lê Anh Thư bảo với chúng tôi, khi nào còn sức, còn nói được, sẽ vẫn còn làm việc. Bà trăn trở: "Tài liệu y học trên toàn thế giới đã ghi nhận nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho loài người là các bệnh tim, mạch. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn phế cho loài người là các bệnh về xương khớp. Bản thân nhóm bệnh này gây tỷ lệ tàn phế cao, mang lại gánh nặng cho xã hội, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được đầu tư cơ sở vật chất lẫn nhân lực xứng tầm để ngăn chặn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một bác sĩ tâm huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.