Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống đuối nước cho trẻ em: Thiếu cả nhận thức và sự quan tâm

Linh Chi| 17/09/2013 06:30

(HNM) - Mỗi ngày Việt Nam có 10 trẻ tử vong do đuối nước và mỗi năm gần 4.000 trẻ em và vị thành niên chết đuối, chiếm tỷ lệ cao nhất trong khu vực.

Còn thiếu sự quan tâm và biện pháp phòng ngừa

Đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh nếu người dân và cộng đồng có ý thức. Gần đây nhất, hàng loạt vụ trẻ em chết đuối thương tâm do sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm giám sát, quản lý, bảo vệ của người lớn. Sáng 11-7-2013, bé N.G.B (6 tuổi, học sinh lớp 1 Trường Song ngữ Hà Nội Academy, Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra) chết đuối trong giờ tập bơi dù có sự hướng dẫn, giám sát của 2 giáo viên dạy bơi và 2 giáo viên hỗ trợ quản lý. Trước đó, ngày 12-9-2012, 8 học sinh Trường THCS An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội chết đuối khi tắm ở hồ Tuy Lai. Ngày 15-8-2011, 4 cháu nhỏ ở làng Phú Đô (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) bị cướp đi mạng sống vì tắm ở "ao nước" thuộc một công trường đang thi công, không có người cảnh giới, không cắm biển cảnh báo nguy hiểm... Bên cạnh đó, rất nhiều trẻ chết đuối tức tưởi chỉ vì sa xuống vũng nước, ao, hồ, hố sâu, giếng nước, vì tò mò nghịch ngợm, vì người lớn bất cẩn, thiếu kỹ năng cứu đuối, sơ cấp cứu…

Trẻ em cần được phổ cập bơi trên toàn quốc và mô hình bể bơi mini. Ảnh: Đức Nghiêm


Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đau lòng hơn, trẻ chết đuối phần lớn do thiếu sự quan tâm, bảo vệ, phòng ngừa của gia đình và nhà trường… Theo nhiều chuyên gia, do trẻ không được trang bị đầy đủ kiến thức phòng tránh, tự bảo vệ; sự nhận thức không đầy đủ dẫn tới thiếu trách nhiệm của người giám hộ, cha mẹ, thầy cô giáo; do môi trường sống, học tập, sinh hoạt của trẻ thiếu an toàn; do trẻ không được học bơi và các kỹ năng an toàn trong nước… vì vậy số trẻ tử vong do đuối nước sẽ còn cao. Đáng nói, đuối nước hoàn toàn có thể ngăn ngừa, phòng tránh được nếu như có sự nhận thức đầy đủ, can thiệp tổng thể của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng.

Nhận thức đi cùng hành động

Là địa phương có nhiều hồ, ao, sông, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã xây dựng Đề án xây bể dạy bơi phòng chống đuối nước và phổ cập học bơi tại các trường tiểu học, THCS giai đoạn 2010-2015. Sau khi thí điểm xây bể, dạy bơi cho học sinh 3 trường tiểu học Vạn Phúc, Tam Hiệp, Đại Áng và THCS Liên Ninh, huyện đã triển khai đại trà các trường còn lại với kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị ban đầu là 18 tỷ đồng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2014, mỗi xã, thị trấn có 1 bể bơi cho học sinh, năm 2015 hoàn thành phổ cập bơi cho 100% học sinh tiểu học và THCS. Huyện đã tập huấn cho giáo viên 11 trường tiểu học, trung học để triển khai dạy bơi tại 11 bể bơi. Hè 2013 vừa qua, đã có 4.000 học sinh được "xóa mù" về bơi. Dự tính khi đề án hoàn thành, 100% xã, thị trấn của Thanh Trì có bể bơi và khoảng 10.000 trẻ sẽ biết bơi/năm. Thành công này có được là nhờ sự quyết tâm bảo vệ trẻ em của cấp ủy, chính quyền và người dân Thanh Trì. Công tác tuyên truyền về lợi ích của việc biết bơi, bảo đảm an toàn cho trẻ được phổ biến đến từng phụ huynh, học sinh các lứa tuổi. Huyện còn hỗ trợ phí học bơi cho học sinh trong ba tháng hè. Thanh Trì thực sự là điểm sáng trong phổ cập bơi trên toàn quốc và mô hình bể bơi mini + giảm thiểu học phí rất cần được nhân rộng.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các ngành, địa phương đã từng bước giảm tử vong do đuối nước. Đà Nẵng với mô hình bể bơi di động, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với mô hình nhà cộng đồng tránh lũ cho trẻ, các mô hình cặp phao cho học sinh qua sông, đưa tập bơi vào chương trình thể dục bắt buộc trong trường học… Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Sau một năm thực hiện Kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước giai đoạn 2012-2015, các bộ, ngành, đoàn thể đã tổ chức được hơn 2.500 lớp, dạy bơi cho 60.000 trẻ. Đến nay, tình hình tử vong do đuối nước đã có xu hướng giảm so với năm 2010, dù vẫn còn cao (6 tháng đầu năm 2013 có 700 trẻ chết đuối) đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn của các cấp, ngành và cộng đồng. Bộ sẽ phối hợp đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước; xây dựng môi trường an toàn tại cộng đồng; tập trung dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ… Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng được coi trọng, giúp người dân tăng cường giám sát, quản lý nhằm bảo vệ an toàn cho thế hệ tương lai, phòng tránh được những cái chết, thương tật không đáng có cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống đuối nước cho trẻ em: Thiếu cả nhận thức và sự quan tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.