Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Thu nhập giảm, nỗi lo tăng

Kiều Oanh - Nguyên Hoa| 18/12/2013 06:09

LTS: Còn khoảng một tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng hiện nay thị trường lao động, vấn đề việc làm, thu nhập của công nhân lao động đã hết sức

LTS: Còn khoảng một tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng hiện nay thị trường lao động, vấn đề việc làm, thu nhập của công nhân lao động đã hết sức "nóng". Doanh nghiệp đôn đáo lo đơn hàng, tiền trả lương, thưởng cuối năm; người lao động thấp thỏm lo âu về mức thưởng Tết ra sao; tổ chức công đoàn, cơ quan chức năng về lĩnh vực lao động việc làm lại bận bịu với công việc tổ chức thi hành chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi, chăm lo đời sống để người lao động có một cái Tết yên vui.

Bài 1: Thu nhập giảm, nỗi lo tăng

Theo thống kê mới đây của ngành lao động, đã có 12.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố phải giải thể, phá sản khiến khoảng 25.000 người lao động (NLĐ) mất việc làm. Riêng tại 8 khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) của Hà Nội, những tháng cuối năm này có tới 30 doanh nghiệp đóng cửa, khiến hàng trăm NLĐ rơi vào cảnh mất việc. Nhiều doanh nghiệp tồn tại nhưng bị bủa vây bởi muôn vàn khó khăn…

Các doanh nghiệp dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng tạo việc làm ổn định và chăm lo đời sống để người lao động có một cái Tết yên vui. Ảnh: Đàm Duy


Công việc cầm chừng

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, là DN lớn với hơn 20.000 công nhân, có truyền thống làm ăn ổn định, nhưng vào thời điểm hiện nay, Công ty cũng gặp không ít khó khăn, vừa phải loay hoay với bài toán việc làm và ổn định thu nhập cho NLĐ, vừa phải tính toán về mặt sản xuất. Các đơn hàng với đối tác trong và ngoài nước để tiêu thụ dịp tết này đã hoàn thành, đơn hàng mới chưa có, nên hiện Công ty chỉ bố trí cho công nhân sản xuất cầm chừng, không tăng ca, tăng giờ.

Tương tự, loay hoay với bài toán việc làm dịp cuối năm, song dù cố gắng hết mức Công ty TNHH Chuyên cung cấp gia công thép Stil Centrer (ở KCN Bắc Thăng Long) đã phải cắt giảm gần 1/7 số lao động và cho toàn bộ NLĐ nghỉ luân phiên hưởng 70% lương. Công nhân Phạm Văn Hùng, thợ bậc 3/7 may mắn không nằm trong số công nhân phải nghỉ việc vì đã ký hợp đồng không xác định thời hạn, nhưng em và các bạn không khỏi âu lo bởi tại một cuộc họp gần đây giữa NLĐ với chủ DN, công ty đã thông báo, năm nay thưởng tết rất thấp vì doanh thu giảm.

Nói về tình hình lao động, việc làm, thu nhập của công nhân trong các KCN&CX, Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, tình hình mọi mặt khó khăn hơn những năm trước, đến nay các KCN có 30 DN phải đóng cửa, kéo theo hàng trăm người mất việc làm, nhiều doanh nghiệp khác rục rịch chuẩn bị cho công nhân nghỉ hẳn hoặc nghỉ luân phiên. Đây là điều trăn trở nhất, song để giảm thiểu những hệ lụy đến với NLĐ, Công đoàn chỉ biết nỗ lực kêu gọi, vận động các doanh nghiệp còn lại cố gắng giữ chân NLĐ và bố trí việc làm cầm chừng, tránh đẩy NLĐ ra đường và DN mất đi nguồn lao động lành nghề.

DN khó khăn, sản xuất cầm chừng, khiến thu nhập của NLĐ không nhích lên. Vậy là hy vọng một kỳ làm việc tăng năng suất dịp cuối năm để tăng thu nhập theo đó cũng tan biến…

Khó khăn chồng chất

Theo nhận định của một số chuyên gia ngành lao động, tình hình lao động, việc làm của NLĐ cả trong và ngoài các KCN&CX trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều khó khăn hơn năm ngoái. DN nhỏ đóng cửa hàng loạt vì không có đơn hàng, việc làm, không lo được lương cho NLĐ, DN vừa cũng rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", muốn giữ chân NLĐ nhưng công việc cầm chừng, không đủ chi phí trả lương. Thậm chí, nhiều DN lớn cũng phải tính toán đến việc cắt giảm một số vị trí lao động để giảm khoản tiền thưởng Tết.

Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản phân tích, đối với những DN lớn, có quy mô tới hàng trăm, hàng nghìn công nhân, tuy không thoát khỏi vòng xoáy của tình trạng thiếu việc làm cho NLĐ và nỗi lo lấy đâu ra tiền thưởng tết cho công nhân… Song cũng phải đối mặt với bài toán nan giải là cắt giảm lao động. Thường thì vào vụ sản xuất hoặc sau Tết, DN khó tìm ngay được công nhân có tay nghề, kỹ thuật sử dụng máy móc, bởi hầu hết NLĐ là thành phần nhập cư, không có trình độ tay nghề, DN phải tự bỏ kinh phí đào tạo hoặc đào tạo lại. Đây là cả một vấn đề.

Bên cạnh những khó khăn của giới chủ, NLĐ cũng phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Thiếu việc làm dẫn đến thu nhập giảm, các quyền lợi khác về thụ hưởng văn hóa, vui chơi đều trở nên xa lạ đối với họ... Để "gỡ khó", nhiều lao động phải "chạy sô" tìm việc tăng thu nhập, thậm chí vắt kiệt sức để kiếm sống. Nguyễn Thế Hướng, công nhân Công ty TNHH Khóa Huy Hoàng có trụ sở tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) cho biết: Làm việc ở công ty gần 10 năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền lại tăng lên từng ngày với kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho gia đình, nhưng việc làm, thu nhập không những không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm. Do đó, mức lương thực lĩnh so với thời giá thị trường ngày càng trở nên eo hẹp trong khi giáp Tết giá các mặt hàng "đội" lên... Tương tự, dù không "nằm" trong diện các công ty tư nhân hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng với những người làm trong nhiều ngành nghề khác, tình hình đời sống, việc làm, thu nhập cũng không khá hơn. Một giáo viên mầm non nói, tiền thưởng Tết đối với họ trong giai đoạn này chỉ mang tính chất… động viên, trung bình 700-800 nghìn đồng/người.

Từ công việc cầm chừng cho đến hàng loạt khó khăn chồng chất đối với cả DN và NLĐ đều đã diễn ra trong suốt giai đoạn dài kể từ khi "cơn bão" suy thoái kinh tế hoành hành và những gì đang diễn ra trong những tháng giáp Tết này cũng đã được dự báo trước. Tuy nhiên, trên thực tế, cả DN và NLĐ điều không tránh khỏi đều rơi vào cảnh bị động khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Thu nhập giảm, nỗi lo tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.