Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý kém, hiệu quả thấp

Thu Trang| 05/04/2014 06:09

(HNM) - Sau một năm triển khai đề án này, nhiều đại biểu không ngần ngại chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý kinh doanh thức ăn đường phố.

Kiểm soát chất lượng thức ăn đường phố vẫn là nhiệm vụ không dễ dàng với cơ quan chức năng. Ảnh: Trọng Hải


Nặng về hình thức, đối phó

Theo các chuyên gia, việc triển khai mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP không phải là chuyện dễ, nhất là ở nơi đông đúc như Hà Nội. Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Lê Đức Thọ chia sẻ rằng đã phải mất rất nhiều ngày dạo khắp các tuyến phố Hà Nội mới chọn được phố Trung Liệt (quận Đống Đa) và phố Quán Thánh, Núi Trúc (quận Ba Đình) để thí điểm triển khai đề án "Mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP" và "Mô hình kiểm soát ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố". Thuyết phục các địa phương đã khó, việc triển khai đến cơ sở kinh doanh còn khó khăn hơn. Có 10 quy định bắt buộc về bảo đảm ATTP thức ăn đường phố mà các cơ sở phải thực hiện nhưng chỉ với việc thực hiện tiêu chí tưởng chừng đơn giản như ghi chép đầy đủ nguồn gốc thực phẩm sử dụng hằng ngày, đeo găng tay khi chế biến thức ăn cũng như "tiến hành một cuộc cách mạng".

Từ thực tế triển khai thực hiện đề án trên, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho rằng, với đặc điểm nổi bật là thị xã Sơn Tây thu hút một lượng lớn du khách, do đó công tác bảo đảm ATVSTP tại các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Điều mà ông Phạm Hùng Sơn lo ngại là hiện nay, việc xử lý vi phạm về ATTP còn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là nhắc nhở chứ chưa áp dụng biện pháp mạnh. Do đó, việc thực hiện quy định, điều kiện bảo đảm ATTP ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa có chuyển biến tích cực, còn mang tính hình thức, nặng về đối phó, nghĩa là khi có đoàn kiểm tra tới nhắc nhở thì chủ cơ sở dịch vụ thực hiện nghiêm túc, kiểm tra xong, được một thời gian là đâu lại vào đấy.

Ông Lê Đức Thọ cho rằng, hiện nay, kiến thức và khả năng thực hành theo quy định của người kinh doanh dịch vụ ăn uống còn hạn chế. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thường thay đổi vị trí, rất khó quản lý cũng như tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, khám sức khỏe cho người tham gia kinh doanh; thậm chí, ngay cả việc xét nghiệm định kỳ nguồn nước dùng cho việc chế biến thức ăn cũng rất khó thực hiện… Trong khi đó, cán bộ phụ trách công tác ATVSTP tại các phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, lại thường xuyên luân chuyển nên đã ảnh hưởng không tốt đến việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ. Đó là chưa kể ở một số quận, huyện như Hoàn Kiếm, Ba Vì, Thường Tín…, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đối với dịch vụ ăn uống còn thấp.

Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người dân. Ảnh: Nguyễn Sơn


Chấm dứt "nạn" xử lý qua loa

Đánh giá về mô hình kinh doanh thức ăn đường phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, việc kinh doanh thức ăn đường phố tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng, giá cả tương đối rẻ, chủng loại đa dạng, phong phú, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc kinh doanh thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân. Ở nhiều cơ sở kinh doanh, có thể thấy nguồn nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, nơi bán hàng thường gần nguồn ô nhiễm, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và mỹ quan đô thị.

Trong bối cảnh đó, năm nay, chủ đề của Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP được lựa chọn là "ATTP thức ăn đường phố" (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5). Tuy nhiên, muốn Tháng hành động tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn đường phố, tạo đà thúc đẩy công tác quản lý ATTP nhằm bảo đảm sức khỏe người dân thì cần có những hành động thiết thực mang tính dài hơi. Theo ông Lê Đức Thọ, điều quan trọng là phải xử lý nghiêm các vi phạm về ATVSTP, chấm dứt tình trạng xử lý vi phạm một cách qua loa, bỏ qua vi phạm ATTP tại tuyến xã, phường như những năm trước. Mặt khác, cần tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nhất là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm quy định về ATTP của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Đề án "Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015" được triển khai từ tháng 8-2013. Một số mục tiêu đề ra: 100% phường, xã, thị trấn triển khai mô hình; hơn 75% số người chế biến dịch vụ ăn uống thực hành đúng các quy định ATTP; hơn 75% số người tiêu dùng có kiến thức và biết cách lựa chọn cơ sở dịch vụ bảo đảm ATTP; hơn 85% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý kém, hiệu quả thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.