Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí tham quan di tích: Cần điều chỉnh cho phù hợp

Việt Tuấn| 15/04/2014 07:02

(HNM) - Đi lễ chùa nhưng vẫn bị thu phí tham quan thắng cảnh, chưa kể nhiều mức vé dành cho độ tuổi khác nhau… là những bất cập trong hoạt động quản lý các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội.

Khách tham quan Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Linh Ngọc



Hiện nay, địa bàn TP Hà Nội có 10 di tích lịch sử văn hóa đang thu phí tham quan theo Nghị quyết số 10/2011/NQ-HĐND ngày 12-12-2011 của HĐND TP Hà Nội (khóa XIV) gồm: Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích Cổ Loa, đền Quán Thánh, nhà tù Hỏa Lò, chùa Hương, làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương và Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đối với một số di tích vừa là di tích văn hóa, vừa là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, quy định của Nhà nước về việc thu phí có khác nhau. Theo Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo, không quy định việc thu phí đối với người hoạt động tín ngưỡng, chỉ thu với người tham quan di tích lịch sử văn hóa.

Trước những bức xúc của người dân phản ánh đi lễ cũng bị thu phí, ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã tiến hành đợt khảo sát thực tế và thấy rõ bất cập. Tại đền Quán Thánh (Ba Đình) thực hiện thu theo hai mức đối với người đi tham quan: Người lớn 10.000đồng/người/lượt; học sinh, sinh viên và người cao tuổi 5.000đồng/người/lượt, còn trẻ em dưới 15 tuổi được miễn phí. Tuy nhiên, vào những ngày rằm, mùng một hằng tháng và dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều người đi lễ vẫn bị thu phí. Ông Bùi Hồng Sơn, quản lý di tích đền Quán Thánh cho biết, rất khó để phân biệt được đâu là người đi lễ, đâu là người đi tham quan di tích và cũng khó phân biệt học sinh, sinh viên (vì không trình thẻ học sinh, sinh viên, hoặc trẻ em dưới 15 tuổi). Bà Trần Thanh Tùng, chuyên viên Ban Quản lý di tích danh thắng TP Hà Nội, phụ trách quận Ba Đình cho biết: Khách đến tham quan hầu như đều phải mua vé, vì không thể phân biệt đối tượng nào miễn, đối tượng nào phải mua. Vì thế, Ban Quản lý các di tích phải ứng xử sao cho hài hòa, tránh trường hợp ngày mùng 1 Tết vẫn bị người dân phàn nàn về chuyện đi lễ mà phải mua vé.

Tương tự, tại quần thể di tích Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) cũng xảy ra tình trạng này, với mức phí tham quan dành cho người lớn là 20.000 đồng/người/lượt, người cao tuổi và trẻ em là 10.000 đồng/người/lượt. Tuy nhiên, do Đường Lâm có di tích thuộc diện tâm linh, tín ngưỡng (chùa Mía) nên rất khó phân biệt để thu phí đúng đối tượng. Vào dịp đầu xuân, một số người dân đi lễ tại chùa Mía đã phàn nàn về sự quản lý chưa hợp lý của Ban Quản lý di tích nơi này. Điều này đã phần nào hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Theo ông Võ Hồng Vinh, Phó phòng văn hóa và Thông tin quận Ba Đình, để khắc phục những bất cập, Nhà nước nên quy định sử dụng một mức phí tham quan và miễn thu phí đối với người cao tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi. Sau đợt khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cần xây dựng đề án trình HĐND thành phố điều chỉnh quy định về phí tham quan các di tích có cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó nghiên cứu bổ sung quy định miễn thu phí cho người dân đi lễ vào các ngày rằm, mùng 1 hằng tháng, ngày Tết Nguyên đán và các ngày lễ hội khác để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí tham quan di tích: Cần điều chỉnh cho phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.