Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc: Thiếu chế tài mạnh

Ngọc Quỳnh| 21/04/2014 06:28

(HNM) - Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn tình trạng bày bán các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng chưa được kiểm soát điều kiện vệ sinh thú y.


Hám rẻ, tiếp tay cho thương lái

Hà Nội hiện có 696 chợ kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật với tổng số 9.354 bàn kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm; 52 siêu thị, 2.228 nhà hàng, 1.011 bếp ăn tập thể; 42 kho bảo quản; 2.558 điểm, cơ sở giết mổ động vật các loại. Để ngăn chặn việc sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm, Chi cục Thú y Hà Nội đã chỉ đạo các trạm thú y quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các thương lái vẫn lợi dụng mọi kẽ hở của pháp luật, đưa các thực phẩm không có nguồn gốc vào tiêu thụ tại thị trường. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã xử lý gần 400 trường hợp, trong đó cảnh cáo 150 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 80 trường hợp và tiêu hủy gần 170 trường hợp, gồm: 400kg, 700 con gia cầm lông; 9.692kg sản phẩm động vật các loại, 1.452 quả trứng...

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Văn Chiến


Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, hàng năm, các kho bảo quản lạnh sản phẩm động vật và các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều được kiểm tra. Các chợ có ban quản lý thì các sản phẩm động vật bày bán đã được kiểm soát, còn chợ cóc, chợ tạm, nhỏ lẻ hầu như không được kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan, gây khó khăn cho việc kiểm dịch của các ngành chức năng. Ngoài ra, tình trạng bán thịt ôi ở ven đường, bày thịt trên các mẹt hoặc tấm ni lông vẫn còn nhiều và giá bán ở đây rất rẻ, nên người dân vẫn vô tư tiêu thụ, mà không ý thức được tác hại của các loại thịt không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều chợ kinh doanh sản phẩm động vật, điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm, chưa có dấu kiểm soát giết mổ. Mặc dù, các ngành chức năng ở quận, huyện, thị xã đã kiểm tra, nhắc nhở, nhưng cứ đi khỏi họ lại bán, rất khó xử lý triệt để. Chính sự chủ quan, coi thường sức khỏe của người tiêu dùng đã tiếp tay cho thương lái có cơ hội buôn bán những sản phẩm động vật mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán những loại sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở và xử lý hành chính, nên không đủ sức răn đe...

Tăng cường chế tài đủ sức răn đe

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, để từng bước chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, buôn bán và kiểm soát được sản phẩm động vật bán trên thị trường, các ngành chức năng cần tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi người dân phải tự bảo vệ mình và gia đình trong việc lựa chọn những sản phẩm an toàn, không nên hám rẻ mua những các sản phẩm không bảo đảm, vừa gây hại cho sức khỏe, mà còn tiếp tay cho thương lái có mảnh đất màu mỡ để thu lợi. Các đơn vị của ngành nông nghiệp thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho các đối tượng là cán bộ xã, phường, chủ cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phối hợp liên ngành nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, tịch thu và tiêu hủy theo quy định. Thậm chí, không chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, nếu vi phạm nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, để đủ sức răn đe. Công khai những cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân biết và không mua; đồng thời cũng công khai những cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ các mô hình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh vật và tồn dư hoóc môn sinh trưởng đối với sản phẩm động vật; nâng cao nhận thức thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm cho người quản lý, giám sát an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, thú y...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc: Thiếu chế tài mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.