Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sao chống được cúm A/H5N6?

Hà Tuấn| 20/08/2014 06:48

(HNM) - Tình trạng gia cầm nhập lậu, vận chuyển trái phép hay buôn bán, giết mổ không qua kiểm dịch vẫn diễn ra công khai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.


Tràn lan buôn bán, giết mổ không kiểm soát


Trong vai người đi mua gà, chúng tôi đã tiếp cận một cơ sở chuyên mua bán và giết mổ gia cầm tại đường Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, quận 9). Theo chủ cơ sở, trung bình một ngày ở đây nhập tới vài trăm con gia cầm, chủ yếu là gà, vịt và ngỗng. "Đây là gà tre thả vườn chính hiệu mang từ Bến Tre về. Nếu mua ở chợ hay cửa hàng lẻ thì giá cũng xấp xỉ 200 nghìn đồng/kg. Bọn tôi cũng chỉ lấy công làm lời", chủ cơ sở vừa đưa con gà cho chúng tôi, vừa tranh thủ quảng bá. Cũng theo chủ cơ sở này, không chỉ có gia cầm từ miền Tây mà cần loại gì hay thích sản phẩm vùng nào cũng có, nếu mua số lượng lớn về buôn bán thì đặt trước một ngày.

Buôn bán gia cầm không kiểm dịch một cách công khai ở quận 9.



Tương tự, tại khu vực ngã ba 621 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), tình trạng bán gia cầm từ nhiều nguồn khác nhau cũng công khai. Nóng nhất vẫn là khu vực cửa ngõ Đông bắc (địa bàn quận Thủ Đức giáp ranh tỉnh Đồng Nai và huyện Dĩ An - Bình Dương). Chỉ trong khoảng gần 2 giờ đồng hồ (từ 6h đến gần 8h sáng), tại xa lộ Hà Nội (thuộc địa bàn giáp ranh trên), có khoảng hơn 15 xe gắn máy chở thịt gia súc, gia cầm trong các thùng xốp từ hướng Đồng Nai đổ về TP Hồ Chí Minh. Thủ đoạn của những đối tượng này rất tinh vi, thay vì chở xe tải thì chia nhỏ số hàng chở xe gắn máy được ngụy trang kín đáo. Khi gần tới Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, một số xe rẽ phải đi sang quốc lộ 1A hướng về Bình Dương, một số đối tượng khác vừa đi đến ngã ba 621 thì rẽ phải chạy về hai hướng quốc lộ 1K và huyện Dĩ An.

Theo Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, trong tuần qua, trạm đã phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc, Đội QLTT Thủ Đức, lực lượng thanh niên xung phong kiểm tra tuyến quốc lộ 1A và phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tổng số tang vật vi phạm lên tới trên 1.900 con vịt, hơn 600kg thịt lợn, 16.000kg phụ phẩm bò, 29kg thịt gà và gần 10.000kg thịt xương xay đông lạnh.

Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh thừa nhận, hiện trên địa bàn thành phố tình trạng nuôi gia cầm còn khá phổ biến tại một số khu vực nội thành; nuôi gà, vịt quy mô nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện an toàn sinh học, không đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan thú y tại các huyện ngoại thành. Đặc biệt, tình trạng buôn bán, giết mổ hay vận chuyển gia súc, gia cầm dù vẫn tái diễn ở nhiều khu vực ở các tuyến đường ngoại thành và đây được xem là nguy cơ lây mầm mống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc cơ quan thú y Vùng 6 cho hay, tình trạng gia cầm nhập qua các đường biên giới giáp ranh với Campuchia gặp nhiều khó khăn, bởi các đường tiểu ngạch dài hàng trăm kilômét, trong khi lực lượng chức năng mỏng.

Làm sao ngăn được "H5N6"?

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho hay, chủng vi rút cúm A/H5N6 phát hiện trên người ở Trung Quốc. Điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần không thấy mắc bệnh này, do đó chưa có bằng chứng lây từ người sang người. Tuy nhiên, với tính dễ biến đổi của vi rút cúm (chỉ tính riêng trong năm 2013, có đến 3 chủng cúm lần đầu tiên xuất hiện trên người là H7N9, H6N1, H10N8), chưa kể hiện tượng trượt gen, đột biến gen tạo thành chủng cúm độc lực cao, lây truyền dễ dàng từ người sang người và các ổ dịch cúm trên gia cầm càng tồn tại lâu, thì nguy cơ trên càng lớn. Vậy nên, việc cần kiểm tra, kiểm soát và thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống là vô cùng cần thiết, cấp bách.

Dù H5N6 chưa xâm nhập phía Nam nhưng với tình trạng buông lỏng kiểm soát giết mổ, buôn bán gia cầm nêu trên, ông Nguyễn Xuân Bình cảnh báo: "Nếu không làm tốt công tác phòng, chống và kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập vào thì H5N6 rất dễ lây lan từ vùng dịch xuống các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh".

Nhằm chủ động ngăn chặn việc xâm nhập mầm bệnh A/H5N6 vào thành phố, Chi cục Thú y thành phố cho rằng còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành liên quan. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình nhận định, ở địa bàn TP Hồ Chí Minh thì việc gia cầm nhập về chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và theo đường nội địa, đặc biệt từ các tỉnh miền Tây lên. Cũng không loại trừ gia cầm được nhập từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào thành phố. Thế nên lực lượng thú y cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương không chỉ phía Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm sao chống được cúm A/H5N6?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.