Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý sản phẩm chăn nuôi nhập lậu: Như muối bỏ bể

Ngọc Quỳnh| 15/10/2014 06:40

(HNM) - Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người tiêu dùng tăng cao (khoảng 10%), trong khi đó chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm của Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó kiểm soát nguồn gốc.

Cục phó Cục Thú y Việt Nam Đàm Xuân Thành cho biết, hiện nay, mặc dù việc kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật từ biên giới về trong nước đã được kiểm soát chặt chẽ, các ngành chức năng đã nâng cao tinh thần cảnh giác nhưng vì lợi nhuận, thương lái vẫn tìm mọi cách tuồn sản phẩm "bẩn" vào tiêu thụ tại thị trường trong nước. Tại khu vực biên giới Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã xử lý 202 vụ, tiêu hủy 16.477kg gà Trung Quốc thải loại, 685kg gà thương phẩm, 138.883 con gà giống, 162.537 con vịt giống... Tuy nhiên, việc xử lý vẫn như muối bỏ bể. Trong tháng 9-2014, Cục đã phối hợp với các tỉnh miền Nam (Long An, Bến Tre, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ, Lâm Đồng) lấy 14 mẫu thịt gà, 28 mẫu thịt lợn để phân tích 5 chỉ tiêu dư lượng kháng sinh và chất cấm. Kết quả, đã phát hiện 2 trường hợp tại Long An nhiễm hóa chất kháng sinh cấm, 1 mẫu thịt gà nhiễm Chloramphenicol, 1 mẫu thịt lợn nhiễm Salbutamol. Cục Thú y cũng đã phối hợp lấy 40 mẫu thịt gà, 80 mẫu thịt lợn tại các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, miền Trung (Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa) để phân tích 5 chỉ tiêu dư lượng kháng sinh và chất cấm, hiện đang chờ kết quả.

Các lực lượng chức năng thu giữ gà nhập lậu vào Hà Nội. Ảnh: Minh Quân


Có một thực tế tồn tại nhiều năm qua là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội đa phần manh mún nhỏ lẻ. Trong khi đó Hà Nội có hàng nghìn chợ cóc, chợ tạm, nhiều chợ không có ban quản lý nên việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm động vật hết sức khó khăn. Hà Nội đã cấm việc kinh doanh, buôn bán các sản phẩm gia cầm sống ở chợ, nhưng thực tế việc này không xử lý được. Trạm trưởng Trạm Thú y Phú Xuyên Phùng Văn Tảo cho biết, trong 9 tháng lực lượng chức năng của huyện cũng đã bắt và xử lý, tiêu hủy hàng nghìn con giống gia cầm 1 ngày tuổi và 300-400kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Do Hà Nội có nhiều đường ngang, ngõ tắt nên thương lái xé lẻ sản phẩm vận chuyển bằng xe máy nhằm tránh sự kiểm tra của các ngành chức năng.

Từ nay đến cuối năm, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng hơn (khoảng 10-20%), thương lái sẽ đưa các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào trong nước tiêu thụ. Tình trạng buôn bán lậu qua biên giới dịp cuối năm cũng sẽ tăng mạnh. Do vậy các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc lưu thông, vận chuyển các sản phẩm động vật từ biên giới vào trong nước. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc buôn bán thực phẩm "bẩn" tại chợ, trong quá trình kiểm tra, nếu thấy có cơ sở vi phạm cần báo cho chính quyền địa phương để phối hợp xử lý theo đúng pháp luật. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chăn nuôi trong nước để đáp ứng đủ nhu cầu con giống cũng như các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán vi phạm tràn lan như hiện nay.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã kiểm tra 10.732 cơ sở sản xuất, buôn bán sản phẩm động vật, trong đó có 1.156 cơ sở vi phạm; tiêu hủy 4 con lợn, 636,5kg thịt lợn và 2.648 con gia cầm lông, 13.734kg sản phẩm động vật các loại; 2.230 quả trứng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý sản phẩm chăn nuôi nhập lậu: Như muối bỏ bể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.