Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ quản được phần ngọn

Tiến Thành| 22/10/2014 07:11

(HNM) - 80% nông sản cung cấp cho người dân TP Hồ Chí Minh là từ các tỉnh lân cận nên cơ quan chức năng thành phố không thể kiểm soát được


Ở TP Hồ Chí Minh, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) là nơi tập trung nông sản từ các tỉnh Nam bộ mỗi ngày (khoảng 3.000 tấn) rồi phân phối đi khắp nơi. Cuối tháng 9, người tiêu dùng đã bàng hoàng khi chứng kiến video quay tại chợ này với hình ảnh ba người phụ nữ, một người đàn ông đi chân đất giẫm đạp lên me (thường được dùng để nấu canh chua, làm mứt và gia vị cho nhiều món ăn) rồi đóng thành bánh quẳng la liệt trên nền chợ. Những tưởng sau đó các tiểu thương chợ sẽ rút kinh nghiệm, tuy nhiên những ngày qua, có mặt tại chợ, chúng tôi vẫn được tận mắt chứng kiến việc hàng tấn rau củ quả bốc dỡ từ các xe tải được xếp ngay dưới nền sân chợ nhầy nhụa nước bẩn đen kịt.

Cơ quan chức năng phát hiện gần 1 tấn ruốc bẩn ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Ánh



Không chỉ rau củ quả bẩn, ngay cả thực phẩm tươi sống như gà, lợn, bò… bẩn cũng bị các tiểu thương tìm mọi cách luồn lách đưa vào các chợ tại TP Hồ Chí Minh. Mới đây, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện tổng cộng gần 10 tấn thịt trâu nhập khẩu, hơn 6 tấn phụ phẩm bò… không giấy phép, không kiểm dịch, không bảo đảm vệ sinh tuồn vào thành phố trên các phương tiện giao thông. Theo cơ quan chức năng, hầu như tuần nào các trạm kiểm dịch động vật các cửa ngõ vào thành phố cũng bắt và xử lý cả tấn thực phẩm bẩn. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh cũng vừa bắt quả tang một cơ sở tại xã Vĩnh Lộc B đang sản xuất ruốc bẩn làm từ thịt gà, thịt lợn. Cơ quan chức năng đã thu giữ và tiêu hủy gần 1 tấn ruốc thành phẩm sắp đưa đi tiêu thụ tại các điểm bán hàng rong khắp nơi.

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH&KT TP Hồ Chí Minh), việc nông sản, thực phẩm bẩn như trên là nguyên nhân ngộ độc thực phẩm nhiều nhất (do vi sinh vật). Đáng báo động hơn nữa, số vụ ngộ độc thực phẩm do hóa chất thường ít hơn ngộ độc vi sinh nhưng lại là nguyên nhân gây tử vong nhiều hơn, nên việc kiểm soát buôn bán mặt hàng này cần phải hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, những gì chúng tôi chứng kiến tại chợ Kim Biên (quận 5) - chợ hóa chất lớn ở TP Hồ Chí Minh thì lại khác. Trong vai người có nhu cầu mua hàng chuyển ra phía Bắc, chúng tôi được các tiểu thương vui vẻ giới thiệu từng loại mặt hàng hóa chất… không nhãn mác và hứa sẽ có giảm giá "bất ngờ" nếu lấy hàng số lượng lớn và liên tục. Giá cả cũng tùy theo từng gian hàng nhưng tựu chung đều rẻ, ví dụ như các loại hương liệu tạo mùi thực phẩm chỉ bán với giá khoảng 50.000 đồng/lít. Theo "quảng cáo" của người bán, tất cả hóa chất trên đều được nhập từ Trung Quốc, sử dụng trong chế biến thực phẩm có thể nói là siêu lợi nhuận.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa (Chi cục trưởng ATVSTP), hiện TP Hồ Chí Minh đang triển khai thí điểm quản lý nông sản thực phẩm theo "Chuỗi thực phẩm an toàn" bằng giải pháp: thành lập những cửa hàng thực phẩm sạch gắn mác "Thực phẩm chuỗi". Mọi sản phẩm bày bán tại đây đều được kiểm soát từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến… đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó TP cũng có những giải pháp khác như quy định kinh doanh các chất phụ gia chuyên biệt thì người kinh doanh phải có trình độ, kiến thức về mặt hàng bày bán...

Theo Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP thành phố, khoảng 80% nông sản thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh không thể kiểm soát được chất lượng. Nguyên nhân do nguồn hàng được tiêu thụ tại thành phố được nhập về từ các tỉnh, thành khác trong khi chưa có chuẩn chung trong việc nuôi trồng, chế biến. Việc giám sát chất lượng nguồn thực phẩm tại thành phố chủ yếu thông qua xét nghiệm nhanh mẫu nhưng không nhiều và không đạt hiệu quả cao bởi các chợ không có kho lạnh bảo quản. Trong lúc chưa có kết luận chính thức, cơ quan chức năng lại không thể thu giữ hoặc cấm lưu thông hàng hóa. Chính vì vậy mới xảy ra trường hợp khi có kết quả xác định lô hàng có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, cấm lưu thông thì hàng đã được bán hết. Các lô hàng cũng chưa có chứng nhận nguồn gốc nên cũng không truy nguyên được khi xảy ra sự cố. Nguồn gia súc, gia cầm không nguồn gốc, không bảo đảm ATVSTP vẫn tuồn về thành phố và rất khó kiểm soát. Việc kinh doanh phụ gia thực phẩm và hóa chất công nghiệp chưa được kiểm soát triệt để. Người kinh doanh phụ gia thực phẩm còn hạn chế trình độ do luật không quy định phải có chứng chỉ hành nghề trước khi cấp giấy đăng ký kinh doanh dẫn tới không đủ trình độ hướng dẫn việc sử dụng phụ gia chế biến thực phẩm…

Khi cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ và "công cụ" thực thi mà còn thừa nhận bất cập rồi than khó thì người tiêu dùng biết trông cậy vào ai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chỉ quản được phần ngọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.