Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lên lịch đẻ năm 2016 khi chồng cũng được nghỉ thai sản

Theo Kim Anh| 28/01/2015 10:53

Theo các chuyên gia, nam giới nghỉ thai sản thể hiện sự tiến bộ, bình đẳng giới, giúp người cha có ý thức hơn trong việc chăm sóc gia đình. Nhiều gia đình lên lịch sinh con năm 2016.

Từng trải qua cảnh phải vào viện sinh con một mình, chị Hồng Ngọc (Thái Bình) cảm thấy tủi thân vô cùng, thậm chí đã "lẩn thẩn" ước giá như không lấy chồng làm công an. Trước ngày chị sinh hai hôm, anh được phân công theo dõi một vụ án, vậy là biệt tích khỏi nhà. May mắn nhà nội nhà ngoại đều ở gần nên chị không quá vất vả. Vậy mà mỗi lần nhìn sang các giường bên cạnh, thấy các chị em khác đi sinh đều có chồng chăm sóc, nước mắt chị thi nhau chảy dài trên má.

Tâm lý người vợ sẽ tốt hơn khi biết có chồng chờ ở bên ngoài phòng sinh - Ảnh: Kim Anh.



Anh kết thúc đợt công tác cũng là lúc hai mẹ con chị được xuất viện. Vì quá mệt nên một ngày ở nhà nghỉ phép, anh chỉ để dành cho việc ngủ, thậm chí có lúc anh còn cáu bẳn vì nghe tiếng trẻ con khóc.

"Nếu việc nghỉ thai sản của người chồng được đưa vào luật thì chắc chắn các ông chồng như chồng mình không thể phó mặc mọi việc cho bà nội, bà ngoại được", chị Ngọc tâm sự.

Đã có con gái 2 tuổi, dự định sẽ sinh thêm một bé nữa vào năm 2016 cho đủ tiêu chuẩn “hai con”, anh Hoàng Văn Nam cảm thấy rất vui bởi đến thời gian đó, điều luật cho phép người cha nghỉ thai sản có hiệu lực. Làm việc trong một tập đoàn lớn, công việc lúc nào cũng nhiều, mỗi lần xin nghỉ phép, anh Nam đều cảm thấy rất ngần ngại. Hai vợ chồng đều ở tỉnh lên Hà Nội lập nghiệp, số ngày phép trong năm không đủ để về quê thực hiện mấy việc giỗ lễ. Nếu có việc cá nhân đột xuất, anh chị đều cảm thấy rất khó khăn.

Nhớ lần sinh con đầu lòng, dù bà nội, bà ngoại đều vào chăm con chăm cháu nhưng cả hai bà già cùng không thuộc đường sá khiến anh mệt lử vì vừa lo việc nhà vừa lo việc công ty. Bà ngoại được bố trí ở trong bệnh viện, bà nội ở nhà lo giặt giũ cơm nước. Hàng ngày, anh cứ như con thoi đi lại giữa nhà, bệnh viện và công ty không biết bao nhiêu lần. Vợ anh bị hậu sản, phải nằm viện hơn một tuần, khi vợ con xuất viện cũng là lúc anh đổ bệnh.

Rút kinh nghiệm từ lần đầu vợ sinh, anh Nam cho biết, vợ sinh bé thứ hai, nếu luật không cho phép các ông bố nghỉ thai sản thì anh cũng phải xin phép để lo việc gia đình. Chỉ có điều mất cả tuần vào việc vượt cạn của vợ thì sẽ phải hy sinh nhiều việc khác.

Mặc dù không trông chờ nhiều ở ông chồng vụng về và chẳng biết làm gì, nhưng "có thêm người còn hơn không" là suy nghĩ chị Mai Hoa (quận 7, TP HCM) khi biết lúc chị sinh chồng sẽ được nghỉ việc. Vợ chồng chị cũng đang lên kế hoạch sinh bé thứ hai vào năm 2016 để hợp với tuổi chồng.

"Đợt sinh con đầu lòng, ông xã chả làm được gì cả, đến cứ than vãn công việc, vậy là mình đuổi đi làm. Nếu ông ấy được nghỉ, có thể bắt làm xe ôm cho bà ngoại và buổi tối vào viện ngủ để bà về nhà", chị Hoa dự tính. "Người sinh thường còn đỡ, chứ sinh mổ đau không thể đi lại được mà không có người nhà bên cạnh thì khó khăn vô cùng".

Theo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, lần đầu tiên, lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con. Cụ thể, chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh mổ, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày.

Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, nhận định quy định này là một chính sách rất hợp tình hợp lý. Việc nam giới được nghỉ khi vợ sinh không chỉ hướng đến bình đẳng giới mà còn nhấn mạnh đến yếu tố trách nhiệm của mỗi một cá nhân đối với gia đình. Tuy sinh đẻ là thiên chức của người phụ nữ nhưng chuyện con cái lại là trách nhiệm của cả cha và mẹ.

Theo ông, người chồng toàn tâm bên người vợ trong thời gian vượt cạn sẽ hỗ trợ rất lớn cho người vợ về sức khỏe cũng như tâm lý. Phụ nữ trải qua cơn đau đẻ thường có cảm giác rất bất an, việc người chồng ở bên cạnh sẽ giúp họ vững tin hơn, có tác dụng tích cực. Thực tế ở rất nhiều bệnh viện trên thế giới và một số bệnh viện Việt Nam hiện nay đã có dịch vụ cho chồng ở bên cạnh lúc vợ lâm bồn. Sự có mặt của người chồng cũng là một liệu pháp giúp cho việc sinh nở của người vợ dễ dàng hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán Các bà mẹ cũng cảm thấy rất vui với thông tin các ông bố sẽ được nghỉ khi vợ sinh. Nữ chuyên viên xã hội học này đồng tình cho rằng điều luật trên thể hiện sự tiến bộ trong bình đẳng giới. Điều này tạo thêm lý do, cơ sở để các ông bố quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc và hỗ trợ khi vợ sinh.

Luật quy định là một chuyện nhưng quan trọng hơn vẫn là sự tự nguyện, tự giác của các ông chồng cũng như sự sắp xếp hợp lý công việc gia đình trong những ngày này. Việc chồng có mặt trong ngày sinh có ý nghĩa như thế nào còn tùy tâm tính người vợ, bởi có người muốn chồng ở bên cạnh, có người cần chồng đi làm để mang tiền về nuôi con...

Bà Thúy khuyên, dù thế nào vợ chồng cũng nên có sự giao tiếp và thống nhất với nhau trước khi sinh để phân công công việc. Thực tế, có nhiều sản phụ không nói gì, cứ âm thầm rồi so sánh chồng không được như người này người kia, sau đó dẫn đến trầm cảm là không nên.

Cuối cùng, bà Thúy nhấn mạnh, việc người chồng hỗ trợ vợ trong chăm sóc và nuôi dạy con không chỉ là một vài ngày sau sinh, mà là cả một quãng thời gian rất dài sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lên lịch đẻ năm 2016 khi chồng cũng được nghỉ thai sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.