Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trẻ em có thực sự cần phải uống sữa?

Loan Vũ| 29/01/2015 12:35

(HNMO) - Chúng ta đều đã nghe rất nhiều câu quảng cáo về sữa như: “Sữa là thức uống tự nhiên tốt cho cơ thể và giúp xương luôn chắc khỏe”.


Theo các chuyên gia, mặc dù sữa rất giàu protein, canxi và vitamin D, nhưng các nguồn thực phẩm khác cũng cung cấp những chất dinh dưỡng này. Ngoài ra, hiện không có bằng chứng xác thực việc uống sữa làm giảm gãy vỡ xương. Các nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng, uống quá nhiều sữa có thể dẫn đến bệnh thiếu máu và góp phần dẫn tới chứng béo phì.

Amy Lanou, một giáo sư chuyên ngành dinh dưỡng tại Đại họ̣c Bắc Carolina ở Ashevile nói: “Trẻ em có thực sự cần phải uống sữa? Câu trả lời là không, tất nhiên không cần”. Hầu hết mọi người trên thế giới đều ngừng việc uống sữa từ thời điểm cai sữa mẹ nhưng họ vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển, bà nói thêm.


Dưới đây là tổng kết của các chuyên gia về những ưu, nhược điểm của sữa đối với sức khỏe con người:

Ưu điểm:

Hầu hết mọi người đều cho rằng sữa cung cấp canxi khiến cho xương chắc khỏe. Sữa cũng giàu chất vitamin D, một hóa chất thường được tổng hợp qua da khi bạn phơi nắng, nhưng để tìm được loại vitamin này trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày lại rất khó, vì nó chỉ xuất hiện trong một số loại thực phẩm như cá dầu, lòng đỏ trứng hay gan bò. Sự thiếu hụt vitamin D có thể gây ra bệnh còi xương-một căn bệnh khiến xương phát triển cong và yếu, hoặc dẫn tới một số những bệnh khác ảnh hưởng đến cơ bắp và hệ thần kinh.

Sữa là nguồn thực phẩm chứa hàm lượng cao protein và calo rất cần thiết đối với trẻ em đang phát triển. Tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng trên thế giới, thậm chí ngay cả với trẻ em ở các nước phát triển. Những đứa trẻ biếng ăn thường phải “đấu tranh” trong việc tiếp nhận những loại thực phẩm có đủ protein và calo trong mỗi bữa cơm, và uống sữa là một cách bổ sung chất dinh dưỡng dễ dàng để đạt được điều đó, theo tiến sĩ Jonathon Maguire, bác sĩ nhi khoa thuộc Bệnh viện St. Michael ở Toronto, Canada.

“Sự phóng đại” quá mức?

Giáo sư Lanou cho biết, canxi có thể được tìm thấy ở nhiều nguồn thực phẩm khác ngoài sữa, kể cả các loại hạt, đậu và rau xanh.

Và một số nghiên cứu mới gần đây cũng làm nghi ngờ câu hỏi về quan điểm cho rằng, sữa giúp xương luôn chắc khỏe. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí JAMA năm 2013 phát hiện ra rằng trẻ em sống ở các nước có tỉ lệ tiêu thụ sữa thấp lại ít mắc các bệnh về xương hơn trẻ em ở các nước thường xuyên uống sữa. Theo giáo sư Lanou, nhìn chung, quan điểm cho rằng trẻ em cần hàm lượng canxi rất cao để giữ cho xương của chúng chắc khỏe có thể bị phóng đại quá mức.

“Cách tốt nhất để trẻ phát triển xương khỏe mạnh là thường xuyên hoạt động ngoại khóa và vui chơi thể thao”, Lanou trao đổi với LiveScience.

Mặc dù vitamin D là một dinh dưỡng thiết yếu, nhưng nó không có trong sữa một cách tự nhiên. Vì vậy, tăng cường các loại thực phẩm khác như ngũ cốc, nước cam, sữa đậu nành là nguồn cung cấp đáng để thử. Lanou cho rằng, lượng protein trong sữa cũng được tìm thấy ở nhiều thực phẩm khác như đậu hoặc trứng.

Nhược điểm:

3/4 dân số thế giới không dung nạp lactose hoặc không thể tiêu hóa lactose - một loại đường có trong sữa, một cách dễ dàng. Canxi cũng có thể ức chế sự hấp thụ sắt, đồng nghĩa với việc uống quá nhiều sữa có thể dẫn đến chứng thiếu máu, theo bác sĩ nhi khoa Maguire.

Thứ đồ uống giàu calo này cũng có thể góp phần dẫn đến chứng béo phì. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Archives of Disease in Childhood tháng 12/2014 khám phá ra rằng, trẻ mẫu giáo uống từ 3 cốc sữa trở lên mỗi ngày nhiều khả năng sẽ cao hơn, nhưng cũng thừa cân và béo phì hơn các bạn khác.

Ngoài ra, sữa nguyên kem chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, gắn liền với nhiều vấn đề sức khỏe. Một số nghiên cứu cho rằng, sữa tách béo hay chứa hàm lượng chất béo thấp sẽ không phải là giải pháp, vì mọi người sẽ cảm thấy kém no hơn sau khi uống nó.

Một vấn đề nữa là uống nhiều sữa có thể đồng nghĩa với việc từ chối tiếp nhận các thực phẩm tốt cho sức khỏe khác và điều này đặc biệt đúng với những đứa trẻ kén ăn. “Nếu một đứa trẻ đã uống 3 khẩu phần sữa bò thì chúng còn đâu chỗ đâu trong bụng để ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe khác như rau, đậu và protein nạc”, tiến sĩ Lanou đặt câu hỏi.

Theo bà Lanou nói: “Một cốc sữa 240 ml vị chocolate ít béo có số calo từ đường tương đương với một cốc Coca hay Pepsi. Đường thì liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe, từ béo phì đến tiểu đường, bệnh tim”.

Bác sĩ Maguire kết luận, rốt cuộc sữa có thể không phải siêu thực phẩm, nhưng là một nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng có giá trị mà trẻ dễ dàng tiếp nhận hơn. Dẫu vậy, trẻ em dường như tích lũy được lượng sắt và vitamin D thích hợp nếu uống 2 cốc sữa/ngày như khuyến cáo của Viện nhi khoa Mỹ.

Ông Maguire khuyến cáo, nếu một đứa trẻ đơn giản ghét vị sữa hoặc gặp vấn đề với việc tiêu hóa sữa, cha mẹ không nên thúc ép con phải uống sữa. Thay vào đó, họ nên cho con ăn các thực phẩm khác để đảm bảo đứa trẻ nhận được đủ dinh dưỡng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em có thực sự cần phải uống sữa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.