Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá cả thực phẩm Tết: Gà tăng, lợn giảm

Ngọc Quỳnh| 02/02/2015 06:36

(HNM) - Ghi nhận trên thị trường, trong khi giá gia cầm, thịt bò tăng mạnh, thì giá lợn đang có xu hướng giảm mạnh, khiến cho nhiều hộ chăn nuôi lợn lo lắng.

Dừng tay chăm sóc đàn gà bán trong dịp Tết, anh Nguyễn Trọng Chữ ở huyện Thanh Trì phấn khởi cho biết: Năm 2014, mặc dù có thời điểm giá gà xuống thấp, nhưng do giá thức ăn chăn nuôi giảm khoảng 2-3% so với mọi năm nên vẫn có lãi. Khoảng hơn một tháng nay, đã có thương lái tới mua với giá cao hơn 10% so với các tháng trước. Trái với tâm trạng vui vẻ của các hộ nuôi gia cầm, những hộ nuôi lợn khá lo lắng. Anh Lê Tiến Thủy ở Chương Mỹ cho biết, trang trại hiện có 100 lợn nái và 400 lợn thương phẩm, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn thịt lợn. Mọi năm, vào tháng Tết, giá lợn thường tăng khoảng 10%, song đến tháng Chạp năm nay giá lợn giảm, khiến cho nhiều hộ đứng ngồi không yên vì trong năm 2014, người nuôi lợn chỉ hòa vốn hoặc lãi ít.

Giá thịt lợn giảm mạnh khiến người chăn nuôi lo lắng. Ảnh: Giang Sơn


Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), do nhu cầu sử dụng trong dịp Tết cao nên giá tất cả các loại thịt gia cầm đều tăng 10-20% so với các tháng trước. Gà lông màu đang bán tại trại 60.000 - 70.000 đồng/kg, gà thả vườn 120.000 - 130.000 đồng/kg; gà công nghiệp nguyên con làm sẵn 60.000 - 65.000 đồng/kg; giá trứng gia cầm cũng tăng dao động khoảng 25.000 - 30.000 đồng/chục. Trong khi các hộ chăn nuôi gia cầm đang phấn khởi vì giá tăng, thì giá lợn đang có xu hướng giảm so với các tháng cuối năm 2014. Hiện giá lợn chỉ còn khoảng 47.000 - 50.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng 12-2014. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, giá lợn giảm chủ yếu do nguồn cung dồi dào trong khi kinh tế khó khăn, lượng mua giảm nên nhiều cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ không dám nhập nhiều để chế biến các sản phẩm như: giò, chả, dăm bông… phục vụ thị trường Tết như mọi năm. Ngoài ra, người tiêu dùng thường dùng gà để cúng 23 tháng Chạp, tất niên và trong 3 ngày Tết nhiều hơn so với thịt lợn.

Nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm, lương thực trong dịp Tết cho người tiêu dùng, Bộ NN&PTNT đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, sớm kiểm soát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh trên đàn gia súc, gia cầm; quản lý vật tư chăn nuôi thú y; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi. Mặt khác, theo quy luật hằng năm, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng cao. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt công tác bình ổn giá nhằm hạn chế khả năng tăng giá đột biến ở một số nơi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, đến nay nguồn cung thực phẩm tương đối dồi dào, nhưng không được chủ quan, lơ là vì chỉ cần xảy ra dịch bệnh thì nguồn cung giảm mạnh, giá sẽ tăng cao. Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc cung cấp thông tin về cung, cầu kịp thời để có hướng trong việc điều tiết thị trường. Các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới khu vực cửa khẩu tăng cường kiểm soát gia súc, gia cầm nhập lậu và tạm nhập tái xuất thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường và sản xuất chăn nuôi trong nước. Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ đầu ra cho hộ chăn nuôi lợn khi giá xuống thấp để nông dân có lãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá cả thực phẩm Tết: Gà tăng, lợn giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.