Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh doanh gia cầm sống tại chợ: Cấm nhưng vẫn “sống khỏe”

Ngọc Quỳnh| 04/03/2015 07:05

(HNM) - Hà Nội có lệnh cấm bán gia cầm sống trong các chợ nội thành, nhưng dường như thương lái vẫn tìm đủ cách để thực hiện nhu cầu của các

Cần siết chặt quản lý việc kinh doanh gia cầm sống tại chợ. Ảnh: Đức Nghiêm


Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 400 chợ, trung bình mỗi chợ đều có từ 5 đến 10 thương lái buôn bán gia cầm sống. Không chỉ bán, họ còn phục vụ luôn việc giết mổ ngay tại chợ, gây ô nhiễm môi trường. Theo anh Nguyễn Văn Võ - thương lái bán gia cầm sống tại chợ Xanh, phường Văn Quán, quận Hà Đông, trước đây ở chợ này chỉ có 1-2 người bán nhưng nay đã có trên 10 thương lái giết mổ và bán gia cầm sống ngay tại chợ. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết hoặc ngày rằm, nhu cầu mua của người dân tăng 20-30% nên số người buôn bán gia cầm sống tại chợ cũng tăng theo. "Có cung ắt có cầu, việc cấm thì cứ cấm, việc bán cứ bán, gà mà bị bệnh làm sao mà khỏe được như thế này" anh Võ phân trần. Còn theo bà Đỗ Thị Phương Hoa ở quận Hai Bà Trưng thì hầu như rằm tháng Giêng năm nào, gia đình cũng ra chợ mua gà sống về thắp hương. Mặc dù giá gà ở chợ có thể cao hơn so với trong siêu thị 10%, song nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận vì thích gà còn tươi nguyên và chọn được lông, màu theo sở thích. Còn nguồn gốc xuất xứ gà ở đâu không được mấy khách hàng quan tâm!

Theo ông Đỗ Phú Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, tình trạng kinh doanh buôn bán gia cầm sống tại các chợ nội thành vẫn đang tồn tại nhưng các ngành chức năng không thể xử lý triệt để. Mặc dù chi cục liên tục phối hợp với UBND các quận, huyện và ban quản lý các chợ rà soát việc bán gia cầm sống, thậm chí cắm chốt ở các điểm nóng nhưng chưa ngăn chặn được. Điều này rất nguy hại bởi hầu hết gia cầm sống bán tại chợ không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, mỗi thương lái bán từ 10 đến 100 con theo nhu cầu từng ngày của khách hàng. Người bán còn có thể ngồi bất cứ đâu cắt tiết gia cầm và vặt lông theo yêu cầu của khách. Trong khi đó, đa số chợ đều không có khu xử lý nước thải nên nước, lông gia cầm được xả trực tiếp vào cống rãnh chung gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều chợ cóc, chợ tạm không có ban quản lý chợ nên thương lái bán gia cầm sống không bị kiểm soát, xử lý…

Thực tế, lệnh cấm giết mổ gia cầm tại các chợ đã có từ nhiều năm nay nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, song do lợi nhuận thương lái vẫn bất chấp; thậm chí số lượng ngày càng tăng theo cấp số nhân để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, để giải quyết triệt để việc này đòi hỏi có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, bởi trên thực tế các cơ quan chức năng chỉ có thể đi kiểm tra và nhắc nhở còn việc xử lý phải do chính quyền sở tại. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, tịch thu nhiều lần gia cầm sống đối với những người cố tình vi phạm mới có thể răn đe. Ngoài ra, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương lái trong việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ nội thành để họ thấy được đây là việc làm rất nguy hại vì mầm mống của dịch bệnh dễ lây lan. Mặc dù đến thời điểm này dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của cả nước cơ bản được khống chế, nhưng nếu gia cầm sống chưa qua kiểm dịch, không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu được sự nguy hiểm của việc mua gia cầm sống tại chợ, thay đổi thói quen tiêu dùng, không vô tình tiếp tay cho thương lái. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh gia cầm sống tại chợ: Cấm nhưng vẫn “sống khỏe”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.