Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát chất lượng nước sạch: Mỗi nơi một kiểu

Thu Trang| 27/03/2015 06:31

(HNM) - Sáng 26-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành chức năng về tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn, uống, sinh hoạt.

Tại đây, đại diện Bộ Y tế cho rằng, nguồn nước không bảo đảm an toàn luôn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước lại chưa chặt chẽ, năng lực phòng thí nghiệm và năng lực cán bộ làm công tác giám sát, xét nghiệm chất lượng nước còn hạn chế.

Kiểm định chất lượng nước sạch tại Công ty Cấp nước Hà Đông. Ảnh: Bảo Lâm


Thiếu chuẩn chất lượng nước

Đề cập đến nguy cơ gây bệnh do nguồn nước không bảo đảm tại nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Thiếu nước sạch hằng năm cũng gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam. Thống kê trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, ước tính chi phí cho y tế là khoảng 20 triệu USD. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc bao phủ tỷ lệ cấp nước, chất lượng nước tại nhiều nơi vẫn chưa đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là nước cấp từ những cơ sở sản xuất nước nhỏ lẻ, trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa công nghệ xử lý còn lạc hậu, hệ thống đường ống chưa bảo đảm và có tỷ lệ thất thoát nước cao. Qua kiểm tra, giám sát chất lượng nước cũng cho thấy, công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Về vấn đề giám sát chất lượng nước hiện nay, theo đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), khó khăn lớn nhất là do chưa xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành y tế, xây dựng, NN&PTNT, tài nguyên và môi trường dẫn đến chồng chéo, trùng lặp. Có những cơ sở cấp nước tập trung được thanh tra, kiểm tra nhiều lần, nhưng cũng có những cơ sở không được kiểm tra dẫn đến lãng phí nguồn nước và ngân sách. Bên cạnh đó, các ngành khi xét nghiệm đánh giá chất lượng nước lại sử dụng các labô và phương pháp xét nghiệm khác nhau, dẫn đến nhận định kết quả khác nhau. Đơn cử như một số cơ sở cấp nước tự lấy mẫu nước để giám sát nội kiểm gửi mẫu phân tích tại labô do cơ sở lựa chọn, có những labô xét nghiệm và đánh giá theo TCVN 5520:2003 của Bộ KH&CN khác với kết quả ngoại kiểm của Trung tâm Y tế dự phòng theo QCVN 01:2009/BYT. Còn Bộ NN&PTNT lại quy định 2 cách đánh giá chất lượng nước sinh hoạt gồm nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nước sinh hoạt đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc đánh giá chất lượng nước. Thêm vào đó, tại các tỉnh, thành phố, số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước còn thiếu so với nhu cầu. Mỗi Trung tâm Y tế dự phòng chỉ có khoảng 2-3 cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chất lượng nước.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý môi trường y tế, hiện nay, hầu hết các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố mới chỉ tiến hành giám sát ngoại kiểm và xét nghiệm được đối với các chỉ tiêu nhóm A của QCVN 01:2009/BYT, một số trung tâm y tế dự phòng (ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh…) xét nghiệm được các chỉ tiêu nhóm B như: Asen, amoni, kim loại nặng… Các trung tâm y tế dự phòng chưa giám sát được đối với hầu hết các chỉ tiêu nhóm C (bao gồm các chỉ tiêu về chất hữu cơ, hóa chất khử trùng và sản phẩm phụ, hóa chất bảo vệ thực vật). Đây là các chỉ tiêu xét nghiệm đòi hỏi chuyên môn sâu, trang thiết bị hiện đại, chi phí tốn kém và chỉ có một số phòng kiểm nghiệm đầu ngành tuyến trung ương có khả năng thực hiện được.

Cần minh bạch thông tin

Không chỉ đẩy mạnh tăng cường giám sát chất lượng nước, ông Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế còn cho rằng, trên thực tế, khi phát hiện các đơn vị cung cấp nước vi phạm nhưng cơ quan chức năng chưa đề cập đến hình thức xử lý. Trong khi đó, hiện có tới hàng trăm tấn thuốc trừ sâu, các nhà máy thải đủ mọi loại chất thải độc hại ra môi trường… ngấm vào nguồn nước ngầm rồi gây bệnh cho con người.

Đại diện của WHO cho rằng, lâu nay, người ta chỉ kiểm tra xét nghiệm nước khi một vụ việc rủi ro nào đó đã xảy ra. Nhưng trên thực tế, các rủi ro luôn tiềm ẩn trong hệ thống đường ống cấp nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tại các đô thị không lo chất lượng nước nhưng lại lo hệ thống dẫn nước. Bởi vì có những nơi, hệ thống dẫn nước đã tồn tại mấy chục năm, có hiện tượng xuống cấp… Cũng theo Phó Thủ tướng, nhiều cơ quan nhà nước của Việt Nam đã cố lo thủ tục để xin vay hàng tỷ đô la làm nước sạch. Vậy mà lại có những nơi xây xong rồi không hoạt động. Còn về vấn đề giám sát chất lượng nước, khi Bộ Y tế tổ chức kiểm tra nhưng không thường xuyên nên mong muốn của người dân hiện nay là những kỳ cuộc kiểm tra sẽ không phải là chiến dịch bùng lên rồi thôi mà phải thành hệ thống và tiến hành thường xuyên, liên tục. Như vậy, chất lượng nước sẽ sạch hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và bộ tiêu chí để thống nhất đánh giá và quản lý chất lượng nước, nhất là cần minh bạch hóa tình trạng nước sạch tại mỗi trạm cấp nước và công bố công khai hằng tháng, hằng quý. Đối với những cơ sở chưa tự trang bị các thiết bị xét nghiệm nước, cần phải bổ sung ngay. Trường hợp không đủ khả năng thì phải thuê các đơn vị có năng lực để xét nghiệm mẫu nước định kỳ. Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì kiểm tra chất lượng nước và cần gắn trách nhiệm bảo đảm nước sinh hoạt đối với đơn vị cấp nước và chủ đầu tư tại các khu chung cư. Tăng cường hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để có nhiều mô hình nước sạch phục vụ người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát chất lượng nước sạch: Mỗi nơi một kiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.