Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà nông khốn đốn

Nguyễn Lê| 27/05/2015 06:28

(HNM) - Thời gian qua, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ phải hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt kéo dài gây khô hạn, thiếu nước và dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp tại nhiều địa phương.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, do lượng mưa thấp, lượng nước tại các hồ thủy lợi một số địa phương gần như cạn kiệt, khả năng thiếu nước cho cây trồng, đặc biệt là vụ lúa hè thu sắp tới là điều khó tránh. Theo ghi nhận tại tỉnh Bình Thuận, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã ngừng sản xuất vì hạn hán. Thời điểm này, 16 hồ chứa nước của tỉnh đều xuống ở mức rất thấp, trong đó nhiều hồ tỷ lệ nước dự trữ chỉ còn 10-30%. Nắng nóng đã làm khoảng 1.000ha cây trồng sinh trưởng kém, năng suất thấp. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các huyện tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các giải pháp chống hạn.

Nắng nóng gây khô hạn khiến nhiều địa phương thiếu nước sản xuất nông nghiệp.



Tại tỉnh Quảng Ngãi, thời tiết nắng nóng đã khiến dịch bệnh trên tôm bùng phát nghiêm trọng. Thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh có ít nhất 10ha tôm bị nhiễm bệnh, tập trung chủ yếu ở TP Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn. Theo cơ quan thú y Vùng IV, các ổ dịch bệnh tại đây đã được phát hiện và lấy mẫu. Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, đã chỉ đạo các địa phương xảy ra dịch thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định nhằm ngăn chặn khả năng lây lan trên diện rộng. Được biết, toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 500ha tôm được thả nuôi. Tại Quảng Nam, thời tiết nắng nóng khô hạn trong thời gian qua cũng khiến cho xâm nhập mặn tái diễn. Nhằm ngăn mặn, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa quyết định triển khai công trình ngăn mặn cho trạm bơm Xuyên Đông nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm 2015, trước mắt là vụ lúa hè thu sắp tới. Theo Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT Quảng Nam, công trình này còn giúp cung cấp nước tưới cho 600ha đất sản xuất nông nghiệp của thị trấn Nam Phước và tưới hỗ trợ, chống hạn cho 400ha đất sản xuất nông nghiệp các xã Duy Phước và Duy Vinh.

Tại khu vực Tây Nguyên, thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến thời điểm này khô hạn đã làm thiệt hại gần 9.000ha cây trồng các loại. Trong đó, hơn 2.000ha cây trồng đang đứng trước nguy cơ mất trắng, số còn lại năng suất giảm từ 30% đến 70%. Thiệt hại ban đầu ước tính hơn 100 tỷ đồng. Trước tình hình này, tỉnh Gia Lai đã chi hơn 4,5 tỷ đồng hỗ trợ bà con nông dân phòng chống hạn hán và khắc phục cây trồng bị thiệt hại. Đáng báo động là tại Đắk Lắk, thời tiết khô hạn kéo dài từ tháng 12-2014 đến gần hết tháng 5-2015 đã khiến cho hơn 52.000ha diện tích cây trồng bị thiệt hại bao gồm hơn 9.670ha lúa, 460ha ngô, gần 41.400ha cà phê và một số cây trồng khác. Trong đó, diện tích bị mất trắng do không có nguồn nước để chống hạn là 3.328ha, bao gồm 2.804ha lúa, 271ha ngô, 78ha cà phê và một số cây trồng khác. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Trang Quang Thành cho biết, hạn hán năm nay khốc liệt nhất kể từ 10 năm qua. Nhằm chống hạn lâu dài, Sở đang nghiên cứu đề xuất các dự án trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm, đồng thời tăng cường các giải pháp quản lý nguồn nước hiệu quả.

Tại các tỉnh Nam Bộ, ghi nhận cho thấy do khô hạn trong thời gian dài nên tình trạng xâm nhập mặn diễn biến hết sức phức tạp. Tại tỉnh Sóc Trăng, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã ảnh hưởng trực tiếp đến vụ lúa hè thu tại nhiều địa phương, nặng nhất là thị xã Ngã Năm. Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, có gần 60ha lúa hè thu xuống giống sớm đã bị chết hoàn toàn, ước thiệt hại ban đầu gần 200 triệu đồng. Các ngành chức năng của tỉnh đang vận động bà con xuống giống lại, đồng thời khảo sát một số tuyến kênh để kiến nghị nạo vét nhằm dẫn nước tưới tiêu. Còn tại Bến Tre, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến hàng trăm héc ta lúa bị thiệt hại. Chạy dọc theo quốc lộ 57 từ huyện Mỏ Cày Nam về các xã ven biển của huyện Thạnh Phú, tình hình xâm nhập mặn và hạn hán đang diễn ra rất gay gắt. Nhiều cánh đồng không sản xuất được, để ruộng khô, nứt nẻ. Tại huyện Ba Tri, nơi có diện tích lúa đông xuân xuống giống lớn nhất tỉnh với khoảng 12.600ha (chiếm 73% diện tích lúa của cả tỉnh), cũng bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn thời gian qua gây ra. Theo dự báo của ngành nông nghiệp Bến Tre, do thời gian khô hạn và mặn kéo dài nên năng suất lúa toàn tỉnh có thể bị giảm từ 10% đến 20%.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN& PTNT) cho biết, dù khô hạn nhưng đối với lúa và hoa màu nông dân trên địa bàn thành phố đã chủ động được nước tưới thông qua các kênh nội đồng dẫn nước từ hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Tuy nhiên, do nắng nóng nên ẩm độ trên cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng khiến dịch bệnh có chiều hướng tăng cao.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, khô hạn và xâm nhập mặn là một thực trạng đang báo động tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh ven biển như Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... Tính đến thời điểm này thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương. Trong những ngày tới, nếu không có mưa diện rộng cần phải bảo đảm đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh bằng các giải pháp cấp bách và đồng bộ từ các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nông khốn đốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.