Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình Bác sĩ gia đình tại Việt Nam: Kỳ vọng nhiều, hiệu quả thấp

Thu Trang| 27/07/2015 06:40

(HNM) - Mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) trong hệ thống y tế Hà Nội nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình, cộng đồng góp phần giảm quá tải bệnh viện.

Chưa thu hút người dân

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về kết quả thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ, đến nay, trên địa bàn thành phố có 76 phòng khám BSGĐ, trong đó có 67 phòng khám tại các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực của 30 trung tâm y tế; 6 phòng khám tại 6 BV gồm: Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh và Xanh Pôn và 3 phòng khám ngoài công lập. Tuy nhiên, thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân tại trạm y tế còn hạn hẹp về số lượng, chủng loại, thậm chí một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, hen phế quản chưa được cấp tại trạm y tế, phòng khám BSGĐ ngoài công lập chưa được khám bảo hiểm y tế (BHYT) trái tuyến, lượng bệnh nhân tìm đến phòng khám BSGĐ còn hạn chế... Đó là thách thức không nhỏ đối với mục tiêu phát triển rộng rãi và bảo đảm hiệu quả mô hình BSGĐ.

Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình, cộng đồng góp phần giảm quá tải cho bệnh viện.
Ảnh: Sơn Hà



Trực thuộc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, Phòng khám Đa khoa Yên Hòa với 3 bác sĩ và 3 điều dưỡng, nhưng số người tham gia đăng ký quản lý sức khỏe còn hạn chế. Cụ thể, sau một năm đi vào hoạt động theo mô hình BSGĐ, đến nay, phòng khám chỉ mới khám và quản lý gần 100 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Khó khăn lớn nhất hiện nay khiến phòng khám này chưa thu hút được bệnh nhân, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, đó là người dân chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình BSGĐ hoặc chưa tin tưởng. Mặt khác, bệnh nhân khám, chữa bệnh tại phòng khám BSGĐ không được thanh toán BHYT trái tuyến. Điều này cũng gây khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân, khiến người dân thờ ơ với mô hình khám chữa bệnh này.

Tương tự, hiện trên toàn địa bàn huyện Sóc Sơn có 4 phòng khám BSGĐ trực thuộc trung tâm y tế huyện với tổng cộng 7 bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình và 16 bác sĩ được đào tạo ngắn hạn về BSGĐ. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện mô hình phòng khám BSGĐ, lượng bệnh nhân đến khám, có hồ sơ quản lý tại những địa chỉ trên chưa nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, các phòng khám này mới quản lý 1.400 bệnh nhân theo bệnh án y học gia đình. Bác sĩ Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết, khó khăn của mô hình BSGĐ ở đây là thiếu kinh phí đào tạo chuyên khoa BSGĐ, chưa có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các BSGĐ, thậm chí còn thiếu cả kinh phí để in hồ sơ bệnh án, biểu mẫu, sổ sách, tờ rơi tuyên truyền về BSGĐ. Điều quan trọng là chúng ta còn thiếu cơ chế tài chính phù hợp cũng như cơ chế chuyển tuyến thống nhất từ trên xuống dưới, tạo phần mềm quản lý về y học gia đình.

Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ Y tế đã thí điểm thành lập phòng khám BSGĐ theo các mô hình: Phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa; phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám BSGĐ tư nhân theo cụm dân cư. Mục tiêu là thành lập được ít nhất 80 phòng khám BSGĐ tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án. Sau đó, từ năm 2016-2020 sẽ nhân rộng mô hình ra toàn quốc… Tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động của mô hình BSGĐ trên cả nước để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình này nhằm đưa ra giải pháp khắc phục.

Phát triển như thế nào?

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các phòng khám BSGĐ trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện khám bệnh cho gần 35 nghìn lượt người, chuyển tuyến kịp thời cho gần 1.700 trường hợp, tiến hành xét nghiệm hơn 200 ca, tư vấn cho gần 2.000 trường hợp, lập hồ sơ quản lý gần 4.400 người. Ngoài ra, phòng khám BSGĐ đã lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, tham gia phối hợp trong công tác tiêm chủng mở rộng, đồng thời hướng dẫn phục hồi chức năng cho người tàn tật, qua đó góp phần phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Tuy nhiên, khi đề cập đến cơ chế chính sách để mô hình này phát triển, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để thu hút và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ nói chung, phòng khám BSGĐ ngoài công lập nói riêng, cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế. Trước mắt, cần có cơ chế thanh toán BHYT thuận tiện đối với bệnh nhân khi đến khám tại các phòng khám này. Bên cạnh đó, giá dịch vụ (như chi phí tư vấn, chi phí đến khám trực tiếp tại gia đình người bệnh, chi phí thông tin liên lạc…) cũng phải được tính đúng, tính đủ, đồng thời việc chuyển tuyến phải được thực hiện một cách thuận lợi và hiệu quả…

Trước thực trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường cho rằng, BSGĐ là mô hình mới, người dân chưa biết đến nhiều. Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường truyền thông thì còn phải tăng tính hấp dẫn qua việc chi trả bằng BHYT, có mức giá dịch vụ phù hợp, từ đó tạo động lực hấp dẫn để các địa phương triển khai nhân rộng mô hình khám chữa bệnh mới này. Mô hình khám chữa bệnh BSGĐ, nếu được triển khai tốt tại các địa phương thì sẽ góp phần giảm quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. "Ðúng là hiện nay, việc thu hút nguồn nhân lực cho BSGĐ vẫn đang rất khó khăn, chưa có chương trình đào tạo dài hạn. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã biết và tới đây sẽ xem xét việc ban hành chương trình đào tạo để thu hút sinh viên... nhằm giúp mô hình này phát triển mạnh hơn", ông Trần Quý Tường nhấn mạnh.

Đi sau thế giới hơn 60 năm trong việc xây dựng mô hình BSGĐ, liệu Việt Nam có thực hiện được điều mà hàng triệu người dân mơ ước, đó là được theo dõi, chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ khi sinh ra cho đến khi "nhắm mắt" tại nơi mình sinh sống trong tương lai không xa?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình Bác sĩ gia đình tại Việt Nam: Kỳ vọng nhiều, hiệu quả thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.