Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý người có dấu hiệu bệnh tâm thần: Bài toán nan giải

Tuệ Diễm| 26/08/2015 07:04

(HNM) - Ngày 12-7, điều dưỡng Võ Văn Đấu, nhân viên khoa Điều trị tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang bị bệnh nhân Nguyễn Văn Trí, trú tại huyện Châu Thành tưới xăng, thiêu.


Dư luận chưa hết hoang mang về sự việc này, thì những ngày qua, liên tục xảy ra các vụ án liên quan đến người có biểu hiện tâm thần gây án tàn độc. Mới đây, nghi can Nguyễn Thị Vân (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đã lẻn vào bệnh viện, dùng dao bầu đâm xuyên sọ trẻ sơ sinh mới 12 ngày tuổi. Theo các bác sĩ, bà Vân có dấu hiệu tâm thần và đang được điều trị tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, dưới sự giám sát chặt của lực lượng công an. Vụ việc chưa kịp lắng xuống lại xảy ra vụ án nghi can Vũ Văn Đản, ngụ tại Gia Lai, được cho là có dấu hiệu bệnh tâm thần, đã dùng dao chém nhiều người thân và hàng xóm, làm 4 người chết, 3 người trọng thương...

Nạn nhân Vũ Công Danh điều trị tại bệnh viện sau khi bị Vũ Văn Đản chém trọng thương trong vụ trọng án xảy ra tại tỉnh Gia Lai vào chiều 23-8 Ảnh: Hoàng Thanh.


Từ năm 2012, khi các vụ án người tâm thần gây ra án mạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, Cục Cảnh sát Hình sự đã có văn bản gửi công an các địa phương phối hợp với cấp chính quyền tăng cường quản lý, phòng ngừa, đề xuất biện pháp đưa những người có dấu hiệu tâm thần vào các trại tập trung chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có luật nào quy định, đối tượng nào sẽ trực tiếp có nhiệm vụ đưa người tâm thần đi điều trị. Người bệnh tâm thần chủ yếu được người nhà tự đưa đến bệnh viện điều trị, khi hết chi phí, họ đành phải đưa bệnh nhân về nhà...

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho biết: "Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì người có chứng bệnh tâm thần có khả năng gây án, phạm tội cao gấp 6-7 lần người thường. Bệnh tâm thần có nhiều dạng, nhiều nhóm bệnh, nhưng 3 loại dễ gây án giết người nhất là người bị tâm thần phân liệt, hoang tưởng và ảo giác". Nghiên cứu ở thế giới cho thấy, bệnh nhân tâm thần thường có khuynh hướng tấn công 2 nhóm đối tượng là người thân và nhân viên y tế. Trong đó, các bác sĩ, điều dưỡng điều trị cho bệnh nhân tâm thần là nhóm có nguy cơ bị tấn công cao. Bác sĩ Thắng cũng thừa nhận bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện bị bệnh nhân tâm thần tấn công như cơm bữa. Bản thân ông đã bị bệnh nhân đánh gãy chân, mẻ xương đùi.

Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 17.000 bệnh nhân tâm thần, trong đó bệnh viện tâm thần hiện đang tiếp nhận 500 bệnh nhân điều trị nội trú, nghĩa là trường hợp nặng nhất mới đến bệnh viện điều trị. Bác sĩ Thắng cho rằng không nhất thiết phải đưa bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện, người nhà có thể kết hợp với bệnh viện để giám sát bệnh nhân tâm thần. Vấn đề là phải tổ chức, liên kết hệ thống giữa bệnh viện và gia đình để cùng giám sát. Theo Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng bộ môn tâm lý - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, các nước phát triển rất chú trọng tìm cách can thiệp người bị rối loạn tâm lý, tâm thần thông qua điều trị tâm lý sớm. Họ có các nhân viên công tác xã hội lâm sàng, đây là cánh tay nối dài của nhà vật lý trị liệu, của bác sĩ thần kinh, tâm thần để theo dõi điều trị bệnh nhân tại địa phương. Còn ở Việt Nam, hiện tại TP Hồ Chí Minh chỉ có Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh có đào tạo nghiệp vụ này với hơn 100 sinh viên ngành công tác xã hội tốt nghiệp mỗi năm, nhưng họ đang làm việc trái ngành vì chưa được sắp xếp việc làm. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, số người mắc bệnh tâm thần đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là lứa tuổi trẻ em. Nếu như năm 2011 bệnh viện có 25.000 lượt trẻ trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 15 tuổi) đến khám và điều trị tâm thần thì đến năm 2013 tăng lên 32.000 em và từ đầu năm nay số lượng bệnh nhân không có dấu hiệu thuyên giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý người có dấu hiệu bệnh tâm thần: Bài toán nan giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.