Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ Lũng Vị có nước sạch?

Kim Nhuệ| 04/10/2015 07:47

(HNM) - Sau khi Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố danh sách 10 ngôi làng có nguồn nước ô nhiễm nhất Việt Nam, thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ bỗng trở nên nổi tiếng với cái tên


Thôn Lũng Vị có hơn 400 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu. Trước đây, thôn này có nghề mây tre đan nhưng do khó khăn về tiêu thụ, thu nhập thấp nên bây giờ ít người làm. Ở làng hiện chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em, thanh niên trai tráng đều đi xa làm thợ xây hoặc buôn bán nhỏ. Kinh tế thuần nông khiến đời sống của bà con nơi đây còn nhiều gian nan…

Theo Phó Chủ tịch xã Đông Phương Yên Phan Ngọc Huấn, khó khăn lớn nhất của bà con Lũng Vị hiện nay là thiếu nước sinh hoạt. Hiện xã chưa có công trình nước sạch, người dân đang phải sử dụng giếng đào và giếng khoan. Dù trũng nhất xã nhưng từ tháng Giêng đến tháng Tư hằng năm, cả làng Lũng Vị bị thiếu nước vì các giếng cạn kiệt.

Anh Đỗ Văn Thảo, cán bộ môi trường xã Đông Phương Yên cho biết, nguồn nước ngầm ở đây phân bố không đồng đều, có nơi khoan sâu 20-30m, có nơi 70-80m, nhưng không phải mũi khoan nào cắm xuống cũng có nước, trong khi chi phí cho mỗi mũi khoan khoảng 3-10 triệu đồng, tùy độ sâu nông. Nhiều gia đình phải khoan 3-4 mũi mới có nước để dùng. Vì chi phí cao nên ở Lũng Vị hiện chỉ khoảng 30% số hộ có điều kiện kinh tế mới khoan được giếng, còn lại phải sử dụng giếng khơi của gia đình hoặc giếng khơi công cộng.

Tuy nhiên, quan sát giếng khơi công cộng ở giữa làng, mực nước trong giếng ngang bề mặt nước ao và kênh tưới ngay cạnh, nhìn bằng mắt thường cũng biết nước ở đây không bảo đảm vệ sinh. Người dân ở đây cho biết, khi ao làng có nước thì giếng mới đầy và ngược lại. Hiện xã Đông Phương Yên chưa có hệ thống thu gom, xử lý nên nước thải trong dân cư đang xả trực tiếp ra ao hồ, kênh mương, đồng ruộng. Vì địa hình trũng nhất xã nên Lũng Vị bất đắc dĩ trở thành nơi tiếp nhận nguồn nước thải, thẩm thấu vào các giếng nước sinh hoạt. Biết ô nhiễm nhưng vì kinh tế khó khăn không có khả năng mua thiết bị lọc đạt chuẩn nên nhiều gia đình chỉ xử lý đơn giản bằng cát, sỏi rồi sử dụng làm nước ăn uống hằng ngày.

Theo các chuyên gia, nguồn nước từ các giếng khơi, giếng khoan có độ sâu từ vài mét đến vài chục mét thực chất chỉ là nước thẩm thấu từ bề mặt. Kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước cho thấy, trong 10 làng ô nhiễm nguồn nước nhất Việt Nam có thôn Lũng Vị, đều chứa nhôm, cadimi, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan vượt tiêu chuẩn cho phép... Người thường xuyên sử dụng nguồn nước có chứa các thành phần này sẽ dẫn đến nhiễm độc mạn tính, mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư gan, ung thư bàng quang, ung thư phổi, dị tật bẩm sinh, đẻ non... Khảo sát độc lập các mẫu nước trên địa bàn xã Đông Phương Yên, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho biết, có 6/12 mẫu nước của địa phương này không đạt chuẩn. Còn theo thống kê của người dân thì mấy năm gần đây làng Lũng Vị có nhiều người chết trẻ vì mắc bệnh ung thư.

Phó Chủ tịch xã Phan Ngọc Huấn cho biết, xã đã nhiều lần kiến nghị các cấp giải quyết tình trạng ô nhiễm và thiếu nước sinh hoạt cho thôn Lũng Vị nhưng chỉ nhận câu trả lời là chưa bố trí được vốn đầu tư. Vì vậy, trước mắt người dân cần phải giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm; huy động nguồn lực gia đình để mua sắm các thiết bị lọc nước…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ Lũng Vị có nước sạch?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.