Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động nguy cơ ngộ độc từ bếp ăn gia đình

Thu Trang| 05/10/2015 06:20

(HNM) - Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, tính đến tháng 9-2015, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với hơn 3.400 người mắc và 20 người tử vong. Điều đáng nói là có hơn 52% số vụ ngộ độc từ bếp ăn gia đình (64/129 vụ),


Lạm dụng thực phẩm chứa độc tố

Nhận xét về tình hình NĐTP trong 9 tháng đầu năm nay, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP) cho biết, so với các năm trước thì trong năm nay, vấn đề NĐTP trong bếp ăn gia đình đáng báo động hơn. Nguyên nhân là do người dân chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề ATTP. Mặc dù giới chuyên môn và truyền thông đã tích cực tuyên truyền về vấn đề vệ sinh ATTP, về những thực phẩm chứa độc tố tự nhiên không nên sử dụng… nhưng số vụ NĐTP do người dân cố tình ăn nấm rừng, sò biển, cá nóc... vẫn xảy ra. "Sự thiếu ý thức này khiến việc bảo đảm ATTP tại bếp ăn gia đình càng trở lên khó khăn hơn", TS Lâm Quốc Hùng nói.

Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh những rủi ro về ngộ độc.



Một thói quen nữa cũng khiến tình trạng NĐTP trong bếp ăn gia đình tăng lên, đó là nhiều hộ gia đình có thói quen mua thức ăn chế biến sẵn ở bên ngoài chứ không tự nấu dù biết rằng tại những cơ sở sản xuất thực phẩm bán sẵn nhỏ lẻ này, nguyên liệu chưa được kiểm định, không rõ nguồn gốc… có thể được đưa vào sử dụng. Hơn nữa, việc kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với thực phẩm chế biến sẵn tại các cơ sở sản xuất nhỏ vẫn chưa được thực hiện hiệu quả bởi lực lượng thanh kiểm tra về vệ sinh ATTP của địa phương mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Không ít địa phương không nắm rõ cơ sở có dịch vụ cung cấp thực phẩm trên địa bàn. Chính vì trách nhiệm bảo đảm ATTP của chính quyền địa phương, cơ sở dịch vụ ăn uống chưa cao nên việc bảo đảm kiểm soát ATTP triệt để là rất khó thực hiện.

Đề cập đến hậu quả từ việc không bảo đảm ATTP bếp ăn gia đình, bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, các bà nội trợ có xu hướng quan tâm đến vấn đề ATTP bếp ăn bên ngoài mà quên mất bếp ăn trong nhà. Thực tế cho thấy, dù đã được quan tâm chùi rửa sạch sẽ nhưng "bếp nhà" vẫn có hàng triệu vi khuẩn chờ dịp lây lan. Việc chế biến thực phẩm tại bếp ăn gia đình không bảo đảm vệ sinh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của người sử dụng, nhất là trẻ nhỏ bởi việc trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa nhiều lần sẽ để lại tác hại lâu dài lên sự tăng trưởng và phát triển. Cụ thể, trẻ sẽ bị giảm chiều cao, thiếu cân nặng, suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng so với những trẻ không bị nhiễm bệnh.

Tăng cường lực lượng thanh tra địa phương

Để tăng cường công tác quản lý ATTP tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 10 quận/huyện, 20 xã/phường của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai thí điểm việc này tại cấp quận, huyện, xã, phường, trước đây chỉ thanh tra ở cấp tỉnh, thành phố. Việc tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở địa phương sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm ATTP tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Hiện nay, Cục ATTP đã tổ chức tập huấn, phổ biến cho cơ quan chức năng ở hai địa phương này để có thể tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nói trên một cách hiệu quả.

Tuy vậy, ngoài việc trông đợi vào hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ mình, tự trang bị kiến thức về ATTP. Theo TS Lâm Quốc Hùng, người tiêu dùng phải luôn nói không với những thực phẩm không nguồn gốc, thực phẩm "bẩn" đã được cơ quan chức năng cảnh báo và nhất là luôn ghi nhớ "10 nguyên tắc vàng" về chế biến thực phẩm an toàn, đó là lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn; ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi đã nấu chín, đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng; không dùng chung dụng cụ chế biến hoặc để lẫn thực phẩm sống và chín; rửa sạch tay trước khi chế biến và sau khi đi vệ sinh; bảo quản dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, sạch sẽ, hợp vệ sinh; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn sử dụng.

Chín tháng qua, Cục ATTP đã xử phạt 172 cơ sở vi phạm về ATTP với số tiền trên 3,1 tỷ đồng. Trong đó, có 137 cơ sở vi phạm về quảng cáo (trên 80%) với số tiền xử phạt trên 2,4 tỷ đồng; thu hồi 11 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 5 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tạm dừng lưu thông 49 lô sản phẩm; thu hồi và tiêu hủy 230kg sản phẩm vi phạm chất lượng; chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng khác xử lý đối với 15 trường hợp… Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh tra 26 cơ sở, trong đó, số cơ sở vi phạm là 20 và số tiền phạt là hơn 600 triệu đồng. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra 94 cơ sở, phát hiện 34 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 430 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động nguy cơ ngộ độc từ bếp ăn gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.