Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính, tăng cường chăm sóc người cao tuổi

Thu Trang| 25/11/2015 06:34

(HNM) - Sáng nay 25-11, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP Hà Nội tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2015. Theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội thì năm 2015 là năm quan trọng đối với công tác dân số (DS) vì là năm cuối



Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nhiệm vụ hàng đầu của công tác dân số thời gian tới.
Ảnh: Nhật Nam


Năm 2015, toàn thành phố đã đạt được một số thành tựu quan trọng về giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đều hoàn thành chỉ tiêu. Cùng với đó, chất lượng DS từng bước được nâng cao. Cụ thể, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng tăng qua các năm, vượt kế hoạch của thành phố và trung ương giao. So với năm 2012, tỷ lệ các bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đến 2014 tăng lên 67% (cao hơn 1,6 lần) và năm 2015 đạt 71%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đến năm 2014 tăng lên 47,6% (cao hơn 2,4 lần so với năm 2012) và đến năm 2015 đạt 80%. Về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh năm 2010 là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm dần qua các năm và năm 2015 tỷ số này là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

Thế nhưng, Hà Nội hiện vẫn ở nhóm những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Để tiếp tục triển khai có kết quả giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thành phố đang triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp chủ yếu. Thứ nhất là tập trung công tác truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân, khắc phục tâm lý đông con, tâm lý ưa con trai hơn con gái nhằm hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi. Thứ hai, triển khai đồng bộ các hoạt động theo quy định của Luật Bình đẳng giới vì đây là nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên. Thứ ba, tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Để tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đang xây dựng đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội giai đoạn 2016-2020". Dự kiến, đề án này được phê duyệt vào quý IV năm nay.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa DS (từ năm 2011) và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa DS nhanh nhất trên thế giới. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác DS Thủ đô. Bởi, theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê cho thấy, DS Việt Nam đang già hóa với tốc độ chưa từng có. Số người cao tuổi sẽ tăng gấp ba vào năm 2050 và như vậy sẽ tăng từ 9% đến 26% DS. Đối với Hà Nội cũng như trên toàn quốc, tốc độ già hóa DS đang diễn ra nhanh với hai lý do chủ yếu. Thứ nhất là chúng ta đã thực hiện có hiệu quả chính sách giảm sinh trong thời gian qua. Thứ hai, do phúc lợi xã hội và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, tuổi thọ bình quân tăng lên, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) gia tăng hằng năm. Tuy nhiên, già hóa DS đang là thách thức lớn, đòi hỏi phải xây dựng chính sách chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng và các nhân tố khác thay thế gia đình. Chình vì vậy, chủ đề của ngày Dân số Việt Nam 26-12 và Tháng hành động quốc gia về DS năm 2015 là "Cộng đồng chung tay chăm sóc NCT".

Theo ông Tạ Quang Huy, điều đáng nói là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp, mỗi người dân có tới 12 năm ốm đau. Đặc biệt, trung bình mỗi NCT có trên 2,6 bệnh. Thế nhưng, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT. Theo quy định, các bệnh viện phải thành lập khoa Lão nhưng chỉ có khoảng 50% các bệnh viện có khoa này. Hầu hết các bệnh viện chưa tổ chức khám riêng cho NCT tại khoa khám bệnh. Một số cơ sở bảo trợ xã hội, nhà dưỡng lão đang hoạt động nhưng số lượng còn ít. Thậm chí, việc cung cấp các dịch vụ y tế tại các nhà dưỡng lão còn hạn chế. Mặt khác, việc lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe NCT chưa được quan tâm đúng mức. Theo kết quả điều tra quốc gia về NCT Việt Nam, chỉ có 4,8% NCT có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, có 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị.

Từ những khó khăn thách thức đang đặt ra, công tác DS năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố sẽ phải tập trung thực hiện một số mục tiêu chủ yếu, cụ thể là tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; nâng cao chất lượng dân số Thủ đô; giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao hiệu quả quản lý DS. Để thực hiện các mục tiêu đó, công tác DS sẽ tập trung các nội dung trọng tâm như tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối kết hợp của các ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn. Mặt khác, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về DS theo kế hoạch hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS theo hướng tích cực và hiệu quả; đồng thời triển khai có hiệu quả đề án "sàng lọc trước sinh và sơ sinh"; giảm trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ béo phì, quan tâm chăm sóc sức khỏe NCT, đặc biệt là NCT có hoàn cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính, tăng cường chăm sóc người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.