Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nghiêm đi đôi với quy hoạch lò mổ

Ngọc Quỳnh| 20/04/2016 06:20

(HNM) - Thời gian qua, cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý tình trạng bơm nước vào các loại gia súc trước và sau khi giết mổ nhằm tăng trọng lượng, thu lợi bất chính. Tuy nhiên, việc xử lý không khác chuyện

Việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung góp phần bảo đảm chất lượng thực phẩm tươi sống.


Phát hiện sai phạm chỉ nhắc nhở

Theo Cục Thú y (Bộ NN& PTNT), hiện cả nước có 28.285 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó 100% lò giết mổ trâu, bò nhỏ lẻ, phân tán. Do thiếu kiểm tra, kiểm soát nên tình trạng bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ gia súc để tăng trọng lượng kiếm lời vẫn xảy ra thường xuyên khiến người dân hoang mang. Tại Hà Nội vấn nạn này cũng diễn ra khá nhức nhối. Ông Phùng Văn Tảo, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phú Xuyên cho biết, trung bình mỗi ngày tại xã Quang Lãng và Tri Thủy (Phú Xuyên) giết mổ khoảng 300-400 trâu, bò cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội. Hoạt động giết mổ trâu, bò thường diễn ra tại hộ gia đình từ 23h hôm trước tới 4h sáng hôm sau, gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo ông Tảo, ở 2 địa phương này vẫn còn hiện tượng một số chủ cơ sở giết mổ bơm nước vào bò từ chiều đến khuya để tăng thêm 15-20% trọng lượng, thu lợi thêm 1-1,5 triệu đồng/con. Lực lượng thú y chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trâu, bò đưa về cơ sở giết mổ, nếu phát hiện người dân bơm nước vào động vật cũng chỉ nhắc nhở chứ chưa có biện pháp xử lý. Ông Phạm Trung Bắc, Trưởng ban Thú y xã Bình Minh (Thanh Oai) cho biết, trên địa bàn xã chỉ còn 2 hộ giết mổ trâu, bò, nhưng vẫn còn hiện tượng người dân lén lút bơm nước vào gia súc với mục đích gian lận thương mại.

Theo ông Bắc, bơm nước vào động vật không gây độc hại như dùng chất kháng sinh, chất tạo nạc trong chăn nuôi, nhưng sẽ làm nhão thịt. Đáng ngại, nếu nguồn nước bơm vào gia súc là nước giếng khoan chứa kim loại nặng hoặc nước "bẩn" có thể có các loại vi sinh vật gây tiêu chảy như E.coli, Vibrio chorela... và các chất độc hại, làm cho thịt bị nhiễm "bẩn", thậm chí có mùi hôi, nhanh hỏng. Người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được thịt có bị bơm nước hay không nếu chỉ đánh giá bằng cảm quan. Thịt bò, thịt lợn nếu bị bơm nước có màu sắc không đồng đều, độ đàn hồi kém khi ấn tay xuống miếng thịt lõm và không phục hồi nhanh là thịt kém chất lượng.

Theo quy định, việc xử lý hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ được thực hiện theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này chỉ 5-6 triệu đồng là chưa hợp lý và không đủ sức răn đe. Do mức phạt thấp nên các thương lái vẫn bơm nước vào gia súc kể cả trước và sau giết mổ.

Quy hoạch lò mổ tập trung để quản lý

Để tiến tới chấm dứt tình trạng bơm nước vào động vật, chiểu theo Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016, Bộ NN&PTNT đã đề nghị nâng cao mức xử phạt hành vi vi phạm, cụ thể, sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi đưa nước vào động vật trước, sau khi giết mổ. Với hình thức xử lý này sẽ từng bước ngăn chặn được việc chủ cơ sở bơm nước vào thịt gia súc, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội Đỗ Phú Sơn, đi đôi với xử lý vi phạm, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ buôn bán, giết mổ động vật không bơm nước vào gia súc; tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý. Mới đây, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, quy định rõ, những điểm bán thực phẩm "bẩn" sẽ bị nêu danh tính công khai trên đài phát thanh xã, phường để người tiêu dùng biết không sử dụng. Công khai danh sách, địa chỉ những cơ sở giết mổ, buôn bán thịt gia súc bơm nước vào gia súc khi giết mổ cũng là một giải pháp cần áp dụng với hành vi sai phạm này, một mặt nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng, mặt khác có tính chất giáo dục, răn đe người vi phạm.

Tuy nhiên, giải pháp lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Cảm, Hội Thú y Việt Nam phải có quy hoạch các lò giết mổ trâu, bò tập trung, để quản lý hiệu quả. Các ngành chức năng cũng phải thường xuyên tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng thịt trâu, bò tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, tiến hành truy xuất nguồn gốc đối với những miếng thịt có màu sắc bất thường. Ngoài ra, đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm gia súc để kiểm soát được chất lượng. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát vận chuyển gia súc tại cơ sở giết mổ, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước phải ngừng ngay việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm đi đôi với quy hoạch lò mổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.