Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có chuyện “Thủy ngân lơ lửng trong không khí Hà Nội”

Thanh Hải| 26/04/2016 16:20

(HNMO) - Thông tin thủy ngân lơ lửng trong không khí ở Hà Nội xuất hiện trong vài ngày nay đã gây hoang mang trong dư luận. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo Hànộimới đã liên hệ và phỏng vấn Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.


- Vừa qua, có thông tin “thủy ngân lơ lửng bay trong không khí ở Hà Nội” gây hoang mang trong dư luận, xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

- Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, thông tin này là đã bị hiểu nhầm và sai lệch. Việc lan truyền tin này từ một cuộc trả lời phỏng vấn của tôi với phóng viên một tờ báo ngành. Khi đó, chúng tôi trao đổi thông tin ô nhiễm bụi ở Hà Nội khi hồi đầu tháng 3-2016, Đại sứ quán Mỹ công bố chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Khi bạn đó hỏi còn vấn đề gì mới về ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thì tôi nói vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, của toàn cầu và Việt Nam mình đang tham gia. Tổng cục Môi trường mới có thiết bị quan trắc mới để tiến hành đánh giá điều này thông qua việc lấy mẫu nước mưa. Chúng tôi đã xác định có hàm lượng thủy ngân trong bụi.

Việc này phải tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá nồng độ như thế nào mới có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin này, bạn phóng viên đó đã về viết bài, giật tít: “Thủy ngân lơ lửng bay trong không khí ở Hà Nội” gây hoang mang trong dư luận. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thủy ngân đã có trong không khí ở Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước. Hiện tại các nhà khoa học đang theo dõi nguồn thủy ngân đó từ đâu, ảnh hưởng như thế nào và Việt Nam cũng đang trong quá trình nghiên cứu đó. Chỉ có vậy chứ tôi chưa đề cập đến việc có độc hay không độc. Tuy nhiên, báo lại đưa thông tin như vậy làm ảnh hưởng ghê gớm đến đời sống tinh thần của người dân. Ngay sau thông tin như vậy, chúng tôi đã trao đổi và báo này đã phải đăng thông tin cải chính.

- Vậy kết quả phân tích, hàm lượng bên Tổng cục Môi trường tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Hiện tại, chúng tôi mới chỉ có một điểm quan trắc đánh giá này đặt tại trạm ở đường Nguyễn Văn Cừ. Qua quá trình phân tích, chúng tôi vẫn chưa thấy điều gì bất thường và người dân không nên lo lắng. Trên thế giới, thủy ngân cũng đã thấy có trong cá, nhưng đánh giá nguy hại hay không thì phải xem xét mức độ. Tương tự như vậy, trong không khí chúng ta cũng cần có quá trình theo dõi, quan trắc xem nó lên hay xuống. Lên thì phải tìm nguyên nhân tại sao.

Từ trước đến nay, việc lấy mẫu phân tích thủy ngân chưa thực hiện được, nhưng đến nay chúng ta có thể theo dõi được nhờ tiếp cận thiết bị mới trong chương trình hợp tác quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa rằng, khả năng quan trắc, theo dõi chất lượng không khí của Việt Nam đang được cải thiện. Quá trình nghiên cứu này mới chỉ là bước đầu để ra thủy ngân tổng, còn đánh giá sâu hơn, chi tiết hơn thì cần có thêm sự hợp tác nữa.

- Thủy ngân được hình thành như thế nào, thưa ông?

- Thủy ngân được hình thành từ nhiều nguồn, đó là từ hoạt động của núi lửa hay việc đốt than đá tại các nhà máy nhiệt điện. Việc đốt rác cũng tạo ra thủy ngân và chất này có thể lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thủy ngân bay rất xa, đến nửa vòng trái đất.

- Trở lại câu chuyện ô nhiễm không khí của Hà Nội, vừa qua, số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường đưa ra cảnh báo về chỉ số chất lượng không khí (AQI) Hà Nội đang ở mức cao, vậy ông có kiến nghị gì không?

- Theo số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường), tính theo tuần từ 8-4 đến ngày 14-4, chỉ số AQI ở Hà Nội ở mức 54-140. Đây là chỉ số đánh giá theo trung bình giờ. Chỉ số này cao vào giờ cao điểm. Chúng tôi đưa ra cảnh báo để mọi người dân cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường. Cụ thể, Hà Nội hiện nay có khoảng 5 triệu xe máy và hơn 500 nghìn ôtô và con số này còn tăng lên từng ngày.

Do vậy chúng ta phải  kiểm soát chất lượng, số lượng và nhiên liệu sử dụng phương tiện cá nhân nhằm giảm thải ô nhiễm ra môi trường. Người dân nên tăng cường việc sử dụng phương tiện công cộng nhằm bảo vệ môi trường sống cũng như Hà Nội phải kiểm soát các công trình xây dựng, không để ảnh hưởng đến môi trường. Hạ chế việc đốt rơm rạ, đốt rác. Vấn đề ở đây không chỉ là việc của các cấp, các ngành, mà phải là trách nhiệm của từng người dân.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có chuyện “Thủy ngân lơ lửng trong không khí Hà Nội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.