Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm có rõ, thực hiện mới hiệu quả

Nhóm PV Nội chính - Nông nghiệp| 01/05/2016 10:40

(HNM) -

Lực lượng chức năng kiểm tra việc bảo đảm ATVSTP tại khu vực chợ Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Vũ


Ý thức rõ trách nhiệm

Thời gian qua, các cấp, ngành của TP Hà Nội có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm ATVSTP, song tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong năm 2015, thành phố đã xử phạt trên 20 tỷ đồng với các vụ vi phạm ATTP; quý I-2016, số tiền xử phạt vi phạm đã lên trên 10 tỷ đồng. Chỉ riêng trên địa bàn quận Đống Đa, kết quả kiểm tra hơn 900 cơ sở về ATVSTP cho thấy, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa bảo đảm về điều kiện vệ sinh.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào thừa nhận, thực tế ATVSTP đang diễn biến phức tạp, đe dọa từng ngày, từng giờ đến sức khỏe cộng đồng. Xác định rõ vai trò người đứng đầu, Chủ tịch UBND quận chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. UBND quận cũng đã quán triệt tinh thần này đến Chủ tịch UBND 21 phường, yêu cầu xây dựng kế hoạch, chuyên đề, mô hình thí điểm tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực phẩm các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống phải chấp hành ATVSTP.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn 23 xã, thị trấn từ ngày 25-4 đến ngày 10-5-2016. Địa phương nào để xảy ra vi phạm ATVSTP, Chủ tịch UBND xã, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện. Trong trường hợp địa phương đó để tái vi phạm, Thường vụ Huyện ủy sẽ xem xét kỷ luật nghiêm khắc người đứng đầu UBND xã, thị trấn. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, việc bảo đảm ATTP trở thành nhiệm vụ trọng tâm của toàn huyện.

Huyện đã phân công công việc, gắn trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện về vấn đề ATTP ở địa phương. Qua kiểm tra, huyện chưa phát hiện vấn đề nổi cộm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và bảo vệ thực vật. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trách nhiệm quản lý và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức ATTP; tiếp tục thực hiện đề án tăng cường quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, xây dựng tuyến phố văn minh tại thị trấn Chúc Sơn và thị trấn Xuân Mai; hướng dẫn, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giúp cho các cơ sở thực hiện đúng các quy định về ATTP.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Chúng tôi xác định bảo đảm ATTP là nhiệm vụ của cả cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Ngay sau khi Chủ tịch UBND thành phố phát động phong trào thi đua bảo đảm ATVSTP, Đảng ủy đã ban hành nghị quyết chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc".

Theo Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Văn Cảnh, thực hiện chỉ đạo của thành phố và quận, UBND phường đã sớm xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần dành sự quan tâm xứng đáng trong công tác quản lý. Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn cũng khẳng định, cá nhân đồng chí nhận thức rõ mình phải chịu trách nhiệm khi xảy ra trên địa bàn những hoạt động vi phạm pháp luật về bảo đảm ATVSTP, nhất là hoạt động đó ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, trong công tác, đồng chí sẽ cố gắng hết sức cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn trên địa bàn; tuyên truyền để người dân trên địa bàn quan tâm, phối hợp cùng chính quyền thực hiện tốt chỉ đạo của trung ương và thành phố.

Không để "vàng thau lẫn lộn"

Từ thực tiễn, cùng với việc tăng cường kiểm tra xử lý các hộ vi phạm, điều người dân mong muốn là các ngành, các cấp cần có biện pháp bảo hộ các sản phẩm sạch, không để xảy ra tình trạng "vàng thau lẫn lội". Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Đan Phượng) có hàng trăm hộ làm đậu phụ, nấu rượu, làm bánh gio, bánh tẻ phục vụ khu vực nội đô. Bà Phạm Thị Hoa - người sản xuất cho biết: Đậu phụ của chúng tôi được làm theo kinh nghiệm cha ông để lại, không sử dụng hóa chất. Ngày nay, việc sản xuất còn được hỗ trợ thêm bởi máy móc hiện đại nên cho năng suất cao, bảo đảm an toàn hơn. "Chúng tôi cam kết sản xuất ra những thực phẩm ngon, sạch đến tay người tiêu dùng. Đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, khi phát hiện những thực phẩm không an toàn cần xử phạt nặng để người sản xuất chú trọng đến ATVSTP. Từ đó, thông tin rõ trên các phương tiện truyền thông, không để tình trạng "vàng thau lẫn lộn" giữa nông sản sạch và bẩn để bảo vệ những người sản xuất chân chính" - bà Hoa kiến nghị.

Đứng trên góc độ người tiêu dùng, ông Lê Văn Hải, ở phường Lệ Mật (Long Biên) nói: "Tôi rất đồng ý với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc phải xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm ATVSTP. Không thể để vấn đề lớn như thế mà chỉ xử lý chung chung, không ai chịu trách nhiệm. Phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của từng địa phương". Tuy nhiên, theo ông Hải, trách nhiệm cũng phải gắn với quyền hạn. Chưa kể cần phải tập huấn, hướng dẫn cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý vấn đề ATVSTP vì không phải đồng chí lãnh đạo nào cũng thông thạo vấn đề này.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Phương, thị trấn Chi Đông (Mê Linh) còn băn khoăn: Muốn ràng buộc được trách nhiệm người đứng đầu về bảo đảm ATVSTP là vấn đề khó. Nếu xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm, bắt được vụ sử dụng chất cấm, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn thì việc quy trách nhiệm như thế nào. "Quy trách nhiệm người đứng đầu, theo tôi là phải nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, quản lý trên địa bàn, không phải nhằm cách chức người này, người kia. Phải xây dựng được các quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể mới có thể tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này được" - bà Nguyễn Thu Phương đề xuất.

Trong năm 2016, Hà Nội phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quản lý được kiểm tra, giám sát theo quy định; trên 95% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố kiểm tra được xét nghiệm nhanh ATTP. Thành phố cũng xác định tập trung duy trì mô hình cải thiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm có rõ, thực hiện mới hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.