Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước uống đóng chai tinh khiết: Còn đó nỗi lo

Thu Trang| 23/05/2016 07:25

(HNM) - Liên tiếp các cơ sở nước uống đóng chai vi phạm quy định về tiêu chuẩn chất lượng bị nêu tên một lần nữa khiến người tiêu dùng bất an. Không chỉ thực phẩm

Nước đóng chai được người tiêu dùng sử dụng do giá rẻ, tiện lợi. Ảnh: Như Ý


Hàng loạt sản phẩm vi phạm chất lượng

Nước uống đóng chai, đóng bình ngày càng thu hút nhiều người dân sử dụng bởi những tiện lợi mà sản phẩm này mang lại. Tại các khu dân cư, nhà trọ, công sở, nhà máy, trường học... nhiều người tiêu dùng vẫn sử dụng mỗi ngày mà không biết chất lượng nước có bảo đảm hay không. Thậm chí, khi mua, ít người quan tâm đến địa chỉ sản xuất, tên sản phẩm, nhãn mác... trên chai nước.

Em Nguyễn Thị Bích, công nhân Công ty May Đức Giang cho biết, chỉ với 12.000 đồng/bình nước là đủ dùng trong cả tháng. Còn đun nước hằng ngày để uống vừa mất thời gian, vừa tốn thêm tiền sinh hoạt phí. Nghe qua phương tiện truyền thông về nhiều loại nước đóng bình vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), nhưng vẫn phải dùng vì tiện dụng và phù hợp với thu nhập.

Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thị trường nước uống đóng chai tăng 16%/năm. Để thành lập một cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình, chủ cơ sở phải có đủ các điều kiện như: Đăng ký kinh doanh, sản phẩm được thử nghiệm phải đạt 28 mẫu về lý hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận ATVSTP, đăng ký nhãn hiệu… Mặt khác, xưởng sản xuất phải có đủ 4 khu sản xuất bao gồm: Khu rửa chai rửa bình; khu lọc thô lọc tinh; khu đóng chai, đóng bình và khu thành phẩm.

Vào hè năm nay, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và sản xuất nước đá dùng liền. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, vi phạm chủ yếu là những cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn chưa được đầu tư thỏa đáng, địa bàn sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường… Mặt khác, cơ sở chưa xuất trình kiểm nghiệm định kỳ nước sản xuất đầu vào, hay nước sử dụng trong quá trình sản xuất, không phân khu riêng biệt, mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn… Cụ thể, trong 60 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đoàn kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở với số tiền là 35 triệu đồng, trong đó có 10 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn, 3 cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh, 3 cơ sở chưa xét nghiệm nguồn nước sử dụng cho sản xuất và 3 cơ sở vi phạm về giấy xác nhận kiến thức ATVSTP, vi phạm nhãn sản phẩm...

Quy trình sản xuất nước đóng bình để bảo đảm chất lượng phải qua các bước, cụ thể là: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, lọc ngược để khử các vi sinh vật. Và khi qua hệ thống đóng chai phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Vì vậy, nếu làm đúng các quy trình trên thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá rẻ. Tuy nhiên, tại các cơ sở được trang bị thô sơ, điều kiện kỹ thuật không bảo đảm, các loại nước giếng khoan khi đưa vào sản xuất không được xử lý kỹ sẽ dễ có vi khuẩn E.Coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột... Đáng lo ngại hơn, những kim loại nặng như chì, thủy ngân rất độc hại nếu không được loại bỏ, khi sử dụng lâu ngày sẽ tích lũy trong cơ thể có khả năng gây bệnh cho người sử dụng.

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 400 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình các loại. Bên cạnh những cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thì vẫn có những đơn vị chưa đăng ký cấp phép, sản xuất "chui". Có cơ sở khi cơ quan chức năng thẩm định cấp giấy phép thì làm tốt nhưng khi đi vào sản xuất lại không thực hiện đúng như quy định… "Chính quyền địa phương là nơi quản lý trực tiếp, hiểu rõ nhất các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn mình nên cần thường xuyên kiểm tra, giám sát kỹ và phải xử lý dứt điểm các cơ sở sai phạm", ông Hoàng Đức Hạnh nói.

Ông Trần Ngọc Tụ cũng cho rằng, bên cạnh việc tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở vi phạm, tái thẩm định các cơ sở được cấp phép, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất một số cơ sở, lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường. Nếu phát hiện có vi phạm quy định về ATTP sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước hết người tiêu dùng cần phải kiên quyết không chọn mua các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không có địa chỉ rõ ràng, không công bố chất lượng sản phẩm và giấy phép đủ điều kiện ATVSTP, đó chính là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe.

Với thị trường nước đóng chai như hiện nay, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội lưu ý, người tiêu dùng chỉ lựa chọn sử dụng các sản phẩm đã được công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP, xem nhãn mác với đầy đủ các nội dung như tên sản phẩm; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của sản phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời gian sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên mua ở các cửa hàng có uy tín hoặc siêu thị…, những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm an toàn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước uống đóng chai tinh khiết: Còn đó nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.