Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước sạch hè 2016: Hiển hiện nguy cơ thiếu hụt

Dạ Khánh| 30/05/2016 07:33

(HNM) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân Thủ đô tăng mạnh trong mùa hè nhưng sản lượng lại tăng không đáng kể. Vì thế, việc cung cấp nước sạch đô thị sẽ rất khó khăn. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đã và đang hiển hiện trước mắt.

Thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè là nỗi ám ảnh với người dân tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Ảnh: Phạm Hải


Có thể thiếu 60.000m3/ngày - đêm

Hiện việc cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô do 4 công ty đảm trách, gồm: Nước sạch Hà Nội, Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco), Nước sạch Hà Đông và Công ty Cấp nước Sơn Tây, cung cấp cho 923.000 khách hàng, tương đương 1.080.000 hộ. Theo số liệu thống kê, tổng lượng nước sản xuất, cung cấp của các công ty này đạt trung bình 900.000m3/ngày - đêm; trong đó, nguồn cấp từ các nhà máy nước ngầm do Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý chiếm 2/3 tổng sản lượng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, vào thời gian cao điểm mùa hè, nhu cầu dùng nước tăng 12% so với bình thường, do đó lượng nước có nguy cơ thiếu hụt khoảng 60.000m3/ngày - đêm. Tại nhiều quận, một số khu vực dự báo sẽ khó khăn về cung cấp nước sạch trên địa bàn.

Không chỉ thiếu hụt nguồn cung do nhu cầu sử dụng tăng cao, việc tuyến đường ống cấp nước từ Nhà máy Nước Sông Đà cấp về Hà Nội (chiếm khoảng 27% tổng sản lượng nước) vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp nước cho nhân dân; đặc biệt khu vực các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai.

Chủ động các phương án đối phó

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ tháng 5 đến tháng 10-2016, nền nhiệt độ khu vực Hà Nội phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 0,5 đến 1,0 độ C; nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều và gay gắt, có khả năng kéo dài hơn năm 2015. Trước thực tế và dự báo như vậy, Sở Xây dựng đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè của người dân. Bên cạnh việc tập trung cải tạo mạng lưới cấp nước, giảm thất thoát (tỷ lệ đang chiếm tới 21,5%); lắp đặt bổ sung trạm bơm tăng áp; vận hành mạng lưới nước hợp lý; đơn vị này còn yêu cầu các công ty nước sạch thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, sửa chữa khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống nhằm cấp nước ổn định trong thời gian sớm nhất.

Theo thông tin từ Công ty Nước sạch Hà Nội, để tăng cường nguồn cấp nước, đơn vị đã cho cải tạo, khoan thay thế các giếng suy thoái của Nhà máy Nước Yên Phụ (dự kiến tăng 7.200m3/ngày - đêm); khoan bổ sung giếng H18 Nhà máy Nước Ngọc Hà (dự kiến tăng 4.320m3/ngày - đêm); khoan thay thế giếng H7 Lương Yên (dự kiến tăng 720m3/ngày - đêm)… Đặc biệt, dự án Bổ sung công suất nước thô 30.000m3/ngày - đêm cho Nhà máy Nước Bắc Thăng Long bảo đảm công suất thiết kế đạt 50.000m3/ngày - đêm dự kiến hoàn thành vào ngày 15-6-2016 sẽ giúp tăng thêm 23.500m3/ngày - đêm.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã yêu cầu các công ty cấp nước thực hiện một số giải pháp đồng bộ đối với các khu vực ở cuối nguồn nước, có địa hình cao như: Vận hành van, điều tiết cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp di động, vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ, huy động các xe stec hỗ trợ cấp nước những đối tượng ưu tiên bệnh viện, trường học… Giải pháp vận hành cấp nước khi có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực nước trên tuyến ống truyền tải nước sạch từ Nhà máy Nước Sông Đà cũng đã được tính đến. Các công ty cấp nước cũng phối hợp điều tiết vận hành van cấp nước bổ sung từ nguồn nước ngầm sang mạng sử dụng nước mặt; khảo sát vị trí phù hợp lắp đặt cơ số các bồn chứa nước dự trữ tại các khu dân cư đông người hoặc điểm bất lợi, cuối nguồn… nhằm giải quyết khó khăn cấp nước cho nhân dân.

Ngoài ra, để ứng trực và nhanh chóng tiếp nhận các sự cố, tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn, các công ty cấp nước cũng bố trí bộ phận tiếp nhận thông tin "đường dây nóng": 04.38293155 (Công ty Nước sạch Hà Nội); 04.62511520 (Công ty Viwaco). Đồng thời, kêu gọi người dân chung tay sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước cho nhu cầu ăn, uống. Đặc biệt các khu vực khó khăn về nước đã được dự báo trước, người dân cần có kế hoạch tích trữ nước sinh hoạt ngay từ đầu hè.

Các khu vực dự báo khó khăn nước sạch hè 2016

Quận Ba Đình: Khu vực K80 Đường Bưởi; Khu vực các ngõ 378, 460, 530, 562 Thụy Khuê.

Quận Hoàn Kiếm: Khu vực phường Chương Dương, Phúc Tân (các hộ cuối nguồn); Hàm Tử Quan, 1061, 1035 Hồng Hà; khu vực Hàng Tre, Hàng Bồ, Lý Nam Đế (các hộ cuối ngõ).

Quận Đống Đa: Khu vực ngách 898/1 ngõ 103 Pháo Đài Láng, Đê La Thành I, đặc biệt là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương; khu vực ngách 25/7 và 25/29 Vũ Ngọc Phan; khu vực ngách 426/6, 20, 48, ngõ 508 Đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2; ngõ 69 phố Nguyễn Phúc Lai, N1, N2, N3 Hoàng Cầu, bãi rác Thành Công; khu vực ngách 24/27 Thổ Quan, Tổ 23 phường Phương Liên (mặt hồ Ba Mẫu), Tổ 22 ngõ 1 phố Khâm Thiên, ngõ 218 phố Chợ Khâm Thiên; Đê La Thành 4; khu vực Ngách 28/39 ngõ Văn Hương, ngách 33 ngõ Văn Chương, N2 đến N46 Lê Duẩn; khu vực Ô tô 3-2 và ngõ 10 Giải Phóng.

Quận Hai Bà Trưng:
Khu vực phố Vĩnh Tuy, dốc Minh Khai; khu vực phố Hồng Mai, ngõ Hòa Bình 7; đê Thanh Lương, cơ đê Nguyễn Khoái; phố Trần Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, đê Trần Khát Chân; khu vực phố Hoa Lư, Vân Hồ, Nguyễn Du (các hộ cuối ngõ, cốt địa hình cao); khu vực ngõ Tân Lạc, ngõ Tự Do - phố Đại La, ngõ Chùa Liên Phái - phố Bạch Mai.

Quận Hoàng Mai: Khu vực ngoài đê Lĩnh Nam, Đền Lừ, Bằng A Hoàng Liệt; khu vực ngõ Thống Nhất - phố Đại La, ngõ Trại Cá - phố Trương Định.

Quận Cầu Giấy: Khu vực cuối đường Phan Bá Vành, Đội 7, 8, 9, 11, 12 Tây Tựu, ngõ 255 Nguyễn Khang, ngách 125/1 Trung Kính, ngách 389/79 Dịch Vọng Hậu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sạch hè 2016: Hiển hiện nguy cơ thiếu hụt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.