Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn rau, thịt "bẩn": Quy định phải phù hợp thực tế sản xuất

Bạch Thanh| 23/06/2016 06:42

(HNM) - Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cần phù hợp với thực tế sản xuất; giám sát, cảnh báo, truy xuất, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm, tránh tạo lỗ hổng để đưa rau, thịt không đạt chất lượng tiêu thụ trên thị trường Hà Nội cần phải tăng cường...

Cần một “mẫu số chung”

Đánh giá những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ rau, thịt trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết: Sản xuất của Hà Nội chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố. Đáng ngại, có 80% thực phẩm trên địa bàn thành phố được tiêu thụ trôi nổi ở chợ truyền thống, chỉ 20% tiêu thụ qua cửa hàng tiện ích, siêu thị. Để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn, Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đã phối hợp xây dựng triển khai chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Theo đó, Ban điều phối tập trung vào việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau, thịt an toàn với các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Việc quản lý và đưa ra tiêu chí cụ thể là hết sức khó khăn vì có cả trăm loại rau xanh thay đổi theo mùa vụ, còn thịt cũng có nhiều loại... Vì vậy, cần xây dựng “mẫu số chung” để không gây khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và tiêu thụ rau, thịt trên địa bàn thành phố.

Đề cập nội dung trên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho rằng, phải phân biệt giữa quản lý nhà nước và xây dựng các tiêu chí bảo đảm theo quy định của pháp luật. Theo đó, các quy định không chồng chéo, gây khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, phải hướng dẫn, phân cấp cụ thể theo hướng xây dựng chế tài xử lý và có người chịu trách nhiệm. Theo ông Vân, nên quy định đối với một số rau, thịt phổ biến như rau cải, rau muống, thịt lợn tươi sống để bảo đảm công tác quản lý nhà nước thuận lợi và không tạo lỗ hổng cho các đơn vị kinh doanh lợi dụng nhập nhèm đưa rau, thịt không đạt chất lượng vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội.

Hầu hết thực phẩm được tiêu thụ qua kênh phân phối truyền thống, dẫn tới khó kiểm soát chất lượng. Ảnh: Anh Tuấn


Quy định rõ ràng

“Theo dự thảo quy định tạm thời tiêu chí đối với sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại Hà Nội, ngoài quy định chung của Bộ NN&PTNT và pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được ban hành, đối với rau, thịt tiêu thụ trên địa bàn thành phố còn có thêm một số tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, các quy định cần phù hợp với thực tế và có tính khả thi. Ví như, đối với các tiêu chí về nhiệt độ bảo quản rau, thịt, thành phố cần kiểm tra, thông báo và có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh thay đổi trang thiết bị bảo quản cho phù hợp” - ông Hà Minh Đức, Binh đoàn thực phẩm sạch Tiên Phong, kiến nghị. Đồng thời, cần có quy định rõ hơn về kinh phí lấy mẫu xét nghiệm bởi đây là khoản tiền lớn có thể đội giá thành sản phẩm nếu không được quan tâm hỗ trợ.

Các quy định cũng làm cần rõ hơn về việc liên kết sản xuất nếu hệ thống siêu thị có hợp đồng thỏa thuận mua bán với một đơn vị sản xuất nông sản an toàn có uy tín; sản phẩm chưa được các cơ quan quản lý kiểm duyệt khi mang ra bán thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà phân phối cũng như tạo phân khúc thị trường nông sản an toàn được rõ ràng... Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân Thanh Xuân (Sóc Sơn) cho biết: Một số doanh nghiệp lạm dụng chứng nhận điều kiện kinh doanh để tiêu thụ rau hữu cơ không rõ nguồn gốc. Do đó, cần có chế tài xử phạt nghiêm cả người sản xuất và kinh doanh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Do sự thiếu gắn kết trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng chưa đồng bộ, công tác kết nối, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối còn gặp khó khăn nên phần lớn sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của các địa phương là do doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình sản xuất nên chưa bảo đảm các tiêu chí về mẫu mã, bao bì, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Do vậy, Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội cần nỗ lực xây dựng bộ tiêu chí và quy định để làm mẫu cho nhiều địa phương khác, đồng thời các thành viên trong mắt xích chuỗi rau, thịt nắm rõ để triển khai thực hiện. Dự kiến, từ năm 2017, các quy định này được chuẩn hóa, người tiêu dùng Hà Nội sẽ yên tâm hơn về chất lượng rau, thịt trên thị trường Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn rau, thịt "bẩn": Quy định phải phù hợp thực tế sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.