Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu sự sống bằng những giọt máu hồng

Hà Phạm| 29/06/2016 17:03

(HNMO) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) được xem là “quả bom nguyên tử nổ chậm” bởi không có bất cứ loại thuốc nào chữa trị được, người bệnh phải truyền máu và sống chung với căn bệnh quái ác này suốt cả cuộc đời.


Ngày 29-6, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Hưởng ứng chiến dịch Quốc gia Hành trình Đỏ 2016: C.P. - Chia sẻ & Phát triển”.


Các bé bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh phải sống chung với việc truyền máu suốt cuộc đời.


Những phận đời éo le

Có mặt tại buổi giới thiệu chương trình “Hưởng ứng chiến dịch Quốc gia Hành trình Đỏ 2016” từ sáng sớm, mẹ con em Trần Thanh Bình (ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) xúc động đến nghẹn giọng. Chị Nguyễn Thị Trúc Linh (mẹ của Thanh Bình) chia sẻ, những bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh nếu không có được nguồn máu trợ giúp từ các tổ chức nhân đạo hay những người hiến máu tình nguyện thì sẽ không có được sự sống. Chị Linh kể, khi Bình được 9 tháng tuổi thì bụng bé bị sưng lên to và bé quấy khóc rất nhiều. Sau đó, hai vợ chồng đưa bé đi khám và được bác sĩ chuẩn đoán bé bị bệnh tan máu bẩm sinh nên nếu không được chuyền máu tính mạng sẽ bị đe dọa. “Lúc đó, chúng tôi buồn lắm nhưng nghĩ đến bé đầu cũng bị bệnh này thì mới hiểu được đây là bệnh di truyền, bởi bản thân bố mẹ cũng bị thiếu máu”, chị Linh chia sẻ.

Năm nay Bình đã 10 tuổi, đồng nghĩa hơn 9 năm qua, vợ chồng chị đã cùng Bình chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Và cứ đến gần 1 tháng, Bình lại được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 truyền máu để cơ thể bé được phát triển bình thường. “Gần đợt truyền máu thì cơ thể con rất khó chịu. Bệnh này cũng hạn chế con nhiều trong việc vận động và vui đùa với bạn bè cùng trang lứa. Con mong sao tất cả các trẻ em sinh ra đều không mắc phải bệnh này”, em Thanh Bình thổ lộ.

Năm nay lên lớp 6, em Võ Phạm Khánh Duy (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết, em bị bệnh này từ lúc hơn 1 tuổi, đồng nghĩa 10 năm nay đã phải sống chung với bệnh nan y này. “Con mong sao được phát triển bình thường như các bạn, con mong lớn lên sẽ làm được nhiều việc cống hiến cho cộng đồng, con mong ba mẹ bớt lo nghĩ, bớt khổ hơn, còn mong ngày nào đó sẽ có thuốc chữa hết bệnh này”, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt, Khánh Duy chia sẻ về những ước muốn thật giản dị.

Cũng theo một người mẹ bị mắc bệnh quái ác này, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dù mang bệnh trong người nhưng cũng phải cố gắng đi phụ quán cà phê vào ban đêm để có tiền chữa bệnh cho con. Nhiều lúc bị ngất xỉu và hầu như tháng nào cũng chỉ đi làm được 15 ngày nhưng chị vẫn phải bươn chải đi vì con là động lực. “Con biết mẹ khổ với con nhiều, bản thân mẹ cũng bị bệnh nhưng con chưa giúp gì được cho mẹ, con mong lớn thật nhanh để kiếm tiền nuôi ba mẹ”, không cầm được nước mắt khi trò chuyện, một bé tham dự chương trình chia sẻ với chúng tôi.

“Những quả bom nổ chậm”…

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Tổng giám đốc Công ty CP Nhân ái Vòng tay Việt (Đơn vị thường trực tổ chức chiến dịch), kiêm Phó Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho hay, bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) được xem là “quả bom nguyên tử nổ chậm” bởi không có bất cứ loại thuốc nào chữa trị được, người bệnh phải truyền máu và sống chung với căn bệnh quái ác này suốt cả cuộc đời. Cuộc sống của các em được sinh ra khi mắc bệnh thật không bình thường...

Theo ông Khởi, tại Việt Nam, bình quân mỗi năm có khoảng 2.000 em sinh ra bị mắc bệnh. Đáng báo động hơn, khoảng 10 triệu người trên đất nước ta mắc bệnh này. “Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn mỗi phóng viên, nhà báo hãy truyền đi thông điệp ý nghĩa này và có những bài viết thật sâu sắc để phản ánh được sự quái ác của căn bệnh này; hãy cùng nhau truyền đi thông điệp để cộng đồng xã hội cùng nhau đồng hành và sẻ chia với chương trình, với những bệnh nhân, để cùng nhau xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái”, ông Khởi chia sẻ.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam – Đơn vị đồng hành tổ chức chiến dịch cho biết, toàn bộ Ban lãnh đạo công ty và hơn 17.000 nhân viên đều ý thức được ý nghĩa của chương trình mang lại. Toàn bộ công ty đã phối hợp với các cơ quan y tế Việt Nam để cùng nhau đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng xã hội với hy vọng hơn 100.000 người được chia sẻ về những việc làm tốt đẹp, những thông tin đầy ý nghĩa về căn bệnh nguy hiểm này.

Được biết, hành trình đỏ - Hành trình vận động hiến máu xuyên Việt là hoạt động trọng tâm trong chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát động.

Chiến dịch được tổ chức từ năm 2013 đến nay với sứ mệnh tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và vận động toàn dân tham gia hiến máu nhân đạo nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu trong cấp cứu và điều trị, nhất là trong những tháng hè khan hiếm máu.

Năm 2016, chương trình “Hành trình đỏ lần 4” sẽ diễn ra trên phạm vi 27 tỉnh, thành cả nước, trong thời gian từ ngày 1 đến 31-7 tới.

Đặc biệt, ở chiến dịch quốc gia hành trình đỏ lần này, Ban tổ chức sẽ tổ chức chương trình “CP: Chia sẻ và Phát triển” trên phạm vi toàn quốc nhằm hưởng ứng chiến dịch quốc gia hành trình đỏ với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực như: gần 17.000 tình nguyện viên tham gia hưởng ứng, hiến máu nhân đạo trên phạm vi toàn quốc; ra quân tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của căn bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia đến cộng đồng; gây quỹ hỗ trợ quà tặng, vật chất cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh; trao gửi 17.000 “trái tim yêu thương” với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” nhằm cổ vũ phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu sự sống bằng những giọt máu hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.