Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loạn thần do nghiện rượu ngày càng nhiều

Theo Tuổi trẻ| 21/09/2016 16:12

Nghiện rượu gây ra nhiều rối loạn về mặt tâm thần và những tác hại khi nghiện rượu cũng được nhiều bác sĩ cảnh báo.

Ông T.V.M. (43 tuổi, ngụ xã Mỹ Trung, H.Cái Bè, Tiền Giang) nghiện rượu từ lúc 20 tuổi. Ông không có vợ con và nhậu bất kể giờ giấc... - Ảnh: NGỌC TÀI


Tuy nhiên, điều đáng buồn là số người mắc các chứng loạn thần do nghiện rượu phải điều trị ngày càng nhiều.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết tại bệnh viện này hiện có khoảng 15% bệnh nhân ngoại trú và 10% bệnh nhân nội trú đến khám và điều trị các rối loạn tâm thần liên 
quan đến rượu.

Đánh đập người thân vì nghiện rượu


Ông L.N.L. (49 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) được người nhà đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị sau khi uống rượu rồi gây gổ, đánh đập cả bố mình. Ông L. uống rượu khoảng 25 năm, mỗi ngày từ nửa lít đến cả lít.

Sau khi uống rượu khoảng 10 năm thì ông L. có những biểu hiện rối loạn do rượu như: ăn uống thất thường, mất ngủ, hoang tưởng, đặc biệt là hoang tưởng ghen tuông, không quan tâm đến vệ sinh cá nhân, cảm xúc cùn mòn, dễ nóng giận, chửi bới, đánh người nhà vô cớ.

Và một hậu quả hiển nhiên khác là bệnh nhân đã ly dị vợ. Trước đó, ông L. đã nhiều lần điều trị ở bệnh viện, lần cuối cùng ông ra viện cũng chỉ mới hơn một tháng, nhưng do về nhà không chịu uống thuốc mà lại uống rượu tiếp...

Còn anh N.M.T. (38 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng có những dấu hiệu rối loạn do nghiện rượu như ông L.. Đặc biệt anh này còn hay la lối, gây rối, đuổi người thân ra khỏi nhà, người thân phải nhờ tới sự hỗ trợ của công an để đưa anh T. vào bệnh viện.

Trước đây, mỗi ngày anh T. uống cả lít rượu. Khi không có rượu 
uống, anh bị run tay...

Bác sĩ Hiển cho biết có khoảng 20-30% những người nghiện rượu bị run tay khi thiếu rượu, thường là người nghiện rượu mãn tính. Anh T. bắt đầu uống rượu từ năm 17 tuổi. Anh cũng đã nhiều lần được đưa vào bệnh viện điều trị từ nhiều năm trước.

“Cai nghiện rượu không khó, quan trọng là người nghiện phải tuân thủ quá trình cai và phải thấy được tác hại của rượu là có thể mất việc làm, mất vợ, mất con thì mới sợ, mới cai được

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển


Nhiều chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm


Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho biết nghiện rượu có thể làm tăng các chứng rối loạn tâm thần như: rối loạn khí sắc, trầm cảm, lo âu, nhân cách phi xã hội...

Đặc biệt, người uống rượu thường có xu hướng coi thường các chuẩn mực đạo đức, trật tự xã hội, dễ gây hấn, xâm phạm quyền lợi người khác và nhất là không hối hận sau khi có hành vi sai trái.

Những người nghiện rượu cũng thường có các bệnh lý mãn tính như: hội chứng Korsakoff - bịa chuyện, quên thuận chiều, rối loạn định hướng lực (ví dụ như không biết được nhà mình ở đâu, đi hướng nào); bệnh lý não Wernicke với các biểu hiện như lú lẫn, rung giật nhãn cầu, liệt cơ vận nhãn...; sa sút do rượu, rối loạn trí nhớ và các triệu chứng mất ngôn ngữ, mất động tác.

Ngoài ra, còn có một số bệnh lý tâm thần khác ở người nghiện rượu như co giật vì rượu làm giảm ngưỡng động kinh, bệnh nhân có thể co giật kiểu động kinh cơn lớn. Bên cạnh đó là chứng quên thoáng qua sau cơn say, hoặc quên hoàn toàn các sự kiện xảy ra trong cơn say.

Thông thường, khi vừa uống rượu xong, bệnh nhân có thể bị ngộ độc rượu với các biểu hiện thay đổi tâm lý, hành vi, rối loạn nhận thức, ngôn ngữ và có thể gây ra các tác hại như tai nạn giao thông, ẩu đả, bạo hành gia đình...

Mức độ nặng nhẹ tùy vào khả năng dung nạp và lượng rượu uống vào. Nồng độ rượu đạt đến ngưỡng ngộ độc là trên 100mg/100ml.

Bác sĩ Hiển cho biết tỉ lệ nghiện rượu ở nông thôn cao hơn ở thành thị. Ngoài ra, trong 10 năm trở lại đây, bắt đầu có bệnh nhân nữ gặp các chứng rối loạn tâm thần do rượu, trước đó không hề có.

Rượu gây xơ gan, tổn thương hệ tiêu hóa

BS Trần Hà Hiếu, phó trưởng khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết một trong những nguyên nhân gây xơ gan là do rượu, virút, độc tố và nấm mốc.

Hiện nay, nhiều loại rượu được pha chế như rượu công nghiệp, cồn công nghiệp, có lẫn những tạp chất không xử lý hết được, trong đó có những thành phần độc tố, dược liệu lên men rượu không rõ nguồn gốc là những chất gây độc thần kinh. Những tạp chất đó lâu dần gây tổn thương nhiều cơ quan như các tế bào gan, hệ tiêu hóa...

Uống rượu nhiều làm cho tế bào gan không thải độc được hoặc độc chất đó phá hủy tế bào gan, gây tổn thương liên tục. Sau khi tổn thương, tế bào gan tái sinh thì mất đi chức năng của tế bào gan bình thường.

Tế bào gan tái sinh tạo những cục tân tạo dạng nốt từ nhỏ đến lớn, làm mất cấu trúc bình thường của gan. Đến một giai đoạn, các tổn thương lan rộng ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan với biểu hiện của hai hội chứng cơ bản là suy chức năng gan và tăng áp lực tĩnh mạch gánh. Đây cũng được coi như là tiền ung thư gan.

Đối với hệ tiêu hóa, uống rượu nhiều làm các tuyến bị teo, không còn khả năng hấp thu và mất cảm giác của các tế bào tuyến, men tiêu hóa không còn, ảnh hưởng đến tụy...

Trong những trường hợp phải uống rượu, nên ăn trước, nếu không được thì sau khi uống cũng nên ăn, để có thể làm giảm thiểu độc tố.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loạn thần do nghiện rượu ngày càng nhiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.