Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân khó hiểu, khó giám sát

Thùy Ngân| 29/09/2016 06:17

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi 2014 và các nghị định, thông tư hướng dẫn nêu: Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở,



Điều này được khẳng định là nhằm mở rộng quyền lợi cho những người có quá trình tham gia BHYT lâu năm, giúp người bệnh bớt đi gánh nặng tài chính cho bản thân và gia đình trong KCB. Đặc biệt với những bệnh nhân thường xuyên đau ốm, mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận, suy tim… có mức chi phí KCB cao mà không phải đồng chi trả là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, qua thăm hỏi thực tế, còn ít người bệnh biết quy định này. Bởi thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục mới chỉ là một điều kiện để hưởng 100% chi phí KCB. Điều kiện thứ hai là phải có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện nay là 7.260.000 đồng) và chỉ được tính trong một năm dương lịch.

Theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, chẳng hạn trường hợp ông A, đến ngày 1-5-2016 có thời gian tham gia BHYT liên tục 60 tháng (5 năm) và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế từ ngày 1-1-2016 đến 1-5-2016 là 7,5 triệu đồng. Từ ngày 1-5-2016 đến hết ngày 31-12-2016, ông A được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi BHYT.

Để được hưởng quyền lợi này, người bệnh phải nhớ rõ đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục hay chưa vì hiện còn rất nhiều thẻ BHYT không in dòng chữ “Thời điểm đủ 5 năm liên tục” nên nhiều người khó xác định chính xác, nhất là những người đã từng chuyển đổi công việc hay tạm nghỉ việc một thời gian. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB chưa đồng bộ nên việc thanh toán số tiền cùng chi trả trong năm cho người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục còn vướng mắc. Ngay chính BHXH Việt Nam cũng có công văn hỏi Bộ Y tế về việc thanh toán trực tiếp chi phí cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở. Trước mắt, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện theo hai cách. Trường hợp các cơ sở y tế đã xác định được số lũy kế chi phí cùng chi trả trong KCB BHYT trong năm có số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở đối với người bệnh đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, thì cơ sở y tế không thu thêm chi phí cùng chi trả của người bệnh, đồng thời có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu mức cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở cho người bệnh để cơ quan BHXH có căn cứ cấp giấy không phải cùng chi trả trong năm tài chính. Trường hợp cơ sở y tế không xác định được số lũy kế chi phí cùng chi trả trong KCB BHYT trong năm tại thời điểm có mức chi phí lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh sẽ tự thanh toán phần chi phí cùng chi trả, sau đó mang hóa đơn, chứng từ đến cơ quan BHXH để được thanh toán trực tiếp số tiền đã phải trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Chính sách bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT lâu năm đã có hiệu lực thực thi hành từ ngày 1-1-2015. Thế nhưng, qua hơn một năm rưỡi đến nay vẫn còn tình trạng hỏi đáp hướng dẫn, việc triển khai chậm trễ, thiếu vắng các hoạt động tuyên truyền để người dân, người bệnh hiểu rõ và làm căn cứ hưởng bảo hiểm cũng như giám sát hoạt động thanh toán chi phí KCB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân khó hiểu, khó giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.