Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ẩn họa từ nuôi chó thả rông

Thu Hằng| 31/10/2016 06:44

(HNM) - Gần đây, nhiều người phản ánh hiện tượng chó chạy rông ra đường, trong khu dân, khu đô thị… mà không rọ mõm, để chó phóng uế bừa bãi ra nơi công cộng vừa mất vệ sinh vừa gây nguy hiểm cho nhân dân.

Hiện tượng chó thả rông trên phố đang khá phổ biến.


Pháp luật nước ta không cấm người dân nuôi chó, nhưng quy định về việc nuôi chó nói riêng và quản lý vật nuôi nói chung đã được các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố ban hành từ lâu. Cụ thể, Điều 4, Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4-8-2009 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định: Người nuôi chó phải có trách nhiệm đăng ký với trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố; chấp hành các quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ...; phải thường xuyên xích, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, không được để chó cắn người; ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng...

Quy định rõ ràng như vậy, nhưng thực tế, do ý thức của người nuôi chó còn nhiều hạn chế, không chấp hành các quy định của Chính phủ, vẫn để chó chạy rông ngoài đường, phóng uế bừa bãi hay tấn công người gây thương tích… gây bức xúc trong nhân dân.

Trong các khu tập thể tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) có rất nhiều hộ nuôi chó, mèo. Chỉ dạo một vòng quanh các dãy nhà E1, E2, E3, E4, phóng viên nhận thấy nhiều hộ nuôi chó to, không rọ mõm, không xích, thả rông ngoài đường, sân khu tập thể. Cụ thể, căn hộ 102, nhà E2 có hai con chó, không xích, nằm sõng soài trước cửa; căn hộ ở tầng 1, đầu dãy nhà E1 cũng nuôi một con chó đen to, không xích, thả rông. Thấy có người lạ, những con chó này sủa rất lớn.

Ông Nguyễn Văn B cho biết, lúc sáng sớm hoặc khoảng 17h chiều hằng ngày, dọc các tuyến đường và các sân chơi trong khu tập thể của tổ dân phố hàng chục con chó thả rông, chạy lăng xăng, phóng uế bừa bãi ra đường, mùi hôi thối nồng nặc, gây mất vệ sinh môi trường.

Đáng nói, hộ ở phòng 106, nhà E3 gần như “độc chiếm” sân chơi của dãy nhà để làm chuồng nuôi chó đẻ, nuôi gà nhiều năm nay khiến người dân không có chỗ chơi. “Lo sợ nhất hiện nay là việc thả rông chó đã và đang gây nguy hiểm cho người dân, đã có một số người dân trong khu tập thể bị chó đuổi ngã bầm dập mặt mày hoặc bị chó cắn” - ông B chia sẻ.

Tương tự, tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, bà Hà Thị T, tổ dân phố 1 bức xúc cho biết, trong khu tập thể đang ở có nhiều hộ nuôi chó, có hộ nuôi 2-3 con. Vào buổi sáng sớm và chiều tối, các hộ thả rông chó ra đường, sân khu tập thể khiến trẻ em chạy tán loạn. Ý thức của các hộ dân nuôi chó kém nên đường đi, sân chơi, thường xuyên bị chó phóng uế. Người dân trong khu tập thể đã nhiều lần góp ý, yêu cầu các hộ nuôi chó có ý thức giữ vệ sinh chung nhưng hầu hết các hộ không chấp hành.

Quan sát tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên... và một số khu đô thị lớn như: Văn Quán, Làng Việt kiều Châu Âu, Mỹ Đình 2, Văn Phú, Định Công cho thấy, có nhiều hộ nuôi chó thả rông, không có chủ đi cùng, không được rọ mõm. Ngay cả khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, tình trạng dắt chó đi dạo thành đoàn nhưng không rọ mõm cũng vẫn xảy ra, khiến nhiều người bất bình...

Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội thừa nhận, tình trạng nuôi chó thả rông đã và đang diễn ra phổ biến là trái với các quy định của Nhà nước. Song, việc quản lý chó, mèo nuôi trong khu dân cư hiện nay không dễ, bởi theo quy định khi nuôi chó, mèo, người dân phải có trách nhiệm khai báo với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, nhưng thực tế tuyệt đại đa số các hộ không khai báo, có hộ nuôi 3-4 con nhưng chỉ khai 1 con, dẫn đến một lượng chó, mèo nuôi trong khu dân cư chưa được quản lý.

Hằng năm, tại một số huyện vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do bị chó cắn. Cụ thể, năm 2014 ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh dại; từ đầu năm 2016 đến nay ghi nhận thêm 2 trường hợp dại lên cơn gây tử vong tại huyện Hoài Đức và Ba Vì.

Như vậy có thể thấy, việc nuôi chó thả rông, không có kiểm soát của chủ và ý thức chấp hành của người dân trong việc tiêm phòng bệnh dại cho chó hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết thương tâm do bệnh dại. Không những thế, việc để vật nuôi phóng uế bừa bãi còn làm mất mỹ quan đô thị, nguy cơ lây truyền bệnh tật cho con người...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ẩn họa từ nuôi chó thả rông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.