Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn trong thực hiện lộ trình tiền lương

Mai Chi| 16/11/2016 16:49

(HNMO) - Nhiều bất cập trong việc cải cách chính sách tiền lương đã được các đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trước Quốc hội khóa XIV chiều 16/11.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) chất vấn: Hiện nay đang có sự thiếu công bằng, phụ cấp công vụ ngành có, ngành không, chính sách lương cán bộ cơ sở quá thấp, thậm chí cán bộ bán chuyên trách chưa có chế độ lương, chỉ có phụ cấp với mức thấp, tạo ra sự bất hợp lý trong chính sách tiền lương. Tại sao cùng là cán bộ công chức như nhau mà lại có sự bất hợp lý như vậy? Sự bất hợp lý này kéo dài nhiều năm, cử tri đã kiến nghị nhưng chưa được quan tâm giải quyết. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.


Giải đáp thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Lộ trình tiền lương là một vấn đề phức tạp, khó khăn, đến nay đã trình qua 5 lần kỳ họp Trung ương. Bắt đầu từ năm 2013, chúng ta xác định mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng. Tới năm 2014 và 2015, tiền lương cơ sở không tăng và tới năm 2016 mới tăng 7% lên 1.210.000 đồng. Trong năm 2017 sắp tới, nếu phải trả nợ cho những năm trước không tăng, cộng thêm phần còn lại của năm 2016 thì mức lương cơ sở cần tăng 26%, lên 1.450.000 đồng. Nếu thực hiện như vậy, tổng chi ngân sách sẽ quá lớn. Bởi vậy, ban chỉ đạo tiền lương đã họp và trình Quốc hội chỉ tăng 7% trong năm 2017, tương đương với 90.000 đồng, để có mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội.


Trong giai đoạn 2016 - 2020, khi kinh tế còn khó khăn, trong khi nguồn chi ngân sách để trả lương (cho 6,5 triệu người hưởng lương và các chế độ tiền lương) chiếm tới 1/3 chi ngân sách, Bộ trưởng đề xuất các giải pháp:


Thứ nhất, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Tới năm 2021, nếu giảm được 20% số lượng viên chức, cộng thêm giảm 10% công chức, thì sẽ có đủ cơ sở thực hiện lộ trình tiền lương theo Nghị định 64 của Chính phủ.

Thứ hai, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ có chỉ đạo với các bộ, ngành trung ương để xây dựng nghị định, chiến lược, chính sách xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; từng bước xóa bao cấp với các đơn vị sự nghiệp, chuyển qua hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng dịch vụ công.

Thứ ba, từng bước nâng phí chuyển thành giá để các đơn vị sự nghiệp hạch toán đầu vào. Bên cạnh việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, các địa phương cần tăng nguồn thu để dành 50% cho việc tăng lương. Đề nghị Bộ Tài chính bố trí ngân sách bảo đảm thu nhập của cán bộ, công chức khi mức lương hiện nay còn quá thấp.

Nếu thực hiện theo đúng chủ trương, tới năm 2017, mức lương cơ sở mới chỉ có 1.300.000 đồng - chưa đủ chi trả một nửa cho mức sống tối thiểu hiện nay là 3.300.000 đồng. Do vậy, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, cần thực hiện các chính sách tinh giản biên chế, tiết kiệm chi, dành một phần lương, một phần ngân sách để cải cách tiền lương, với mục tiêu giảm khoảng cách giữa người có mức lương cao nhất và người có mức lương thấp nhất, trên cở sở tách hẳn phần lương công chức hiện đang làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước ra khỏi phần chi trả khác, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả trong tiến trình cải cách tiền lương.

Về vấn đề phụ cấp đặc thù với ngành nghề trong các cơ quan hành chính, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị đề án đưa vào diện cải cách tiền lương và sẽ triển khai trong thời gian sắp tới.

Trước câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) tranh luận: Trong nghị quyết vừa được thông qua, việc tăng lương cơ sở từ 7 - 8% chỉ là giải pháp tạm thời, không thể được coi là điều kiện để cải cách chính sách tiền lương.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) tranh luận lại câu trả lời của Bộ trưởng Nội vụ


Kết luận số 63 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI đều đề cập đến cải cách chính sách tiền lương.

Thứ nhất, việc tinh giản 2,2 triệu công chức, viên chức là chưa đúng tinh thần, mà khu vực này phải chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khoán chi phí đầu ra theo kết quả, chứ không chỉ có giải pháp giảm biên chế.

Thứ hai, cải cách chính sách tiền lương là phải cải cách thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở và bội số tiền lương chứ không phải là thu hẹp bội số tiền lương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong thực hiện lộ trình tiền lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.