Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn thực phẩm đã đến "giới hạn đỏ"!

Thu Trang| 07/01/2017 06:26

(HNM) - Sau chuyến giám sát thực địa trên địa bàn Hà Nội chiều 5 và sáng 6-1, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và lãnh đạo nhiều bộ, ngành cùng dự. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ATTP đã đến "giới hạn đỏ", nhất là thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Nhân viên Chi cục Thú y Hà Nội đóng dấu kiểm dịch lên sản phẩm gia cầm tại cơ sở giết mổ gia cầm sạch Việt Thái (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín). Ảnh: Vũ Sinh



Vẫn khó quản cơ sở nhỏ lẻ

Để đánh giá chính xác công tác quản lý nhà nước về ATTP của Hà Nội, Đoàn giám sát đã chia làm 4 tổ, mỗi tổ trực tiếp kiểm tra từ 6 đến 8 điểm, gồm: Siêu thị, chợ, bếp ăn tập thể, lò giết mổ, cơ sở thức ăn đường phố. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 355 nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, qua giám sát, số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn còn ít. Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, gây khó khăn cho quản lý, giám sát việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, thành phố có 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 4 khu giết mổ thủ công, 1.047 điểm giết mổ gia súc, gia cầm và 460 chợ dân sinh. Điều đáng nói, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.

Vào lúc 1h sáng 6-1, tại cơ sở giết mổ Mạnh Quang (xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên), hàng chục con bò đang chuẩn bị được giết mổ. Theo chủ cơ sở, lò mổ có thể đáp ứng công suất giết mổ 60 con bò/ngày; trung bình mỗi ngày tại đây giết mổ khoảng 20-30 con. Đoàn đã tiến hành kiểm tra giấy tờ, nguồn gốc thực phẩm, cơ sở này đều đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thành viên Tổ giám sát số 1 cho biết, việc bảo đảm ATTP tại đây “có vấn đề”. Ông Nguyễn Vinh Hà dẫn chứng, chỉ có một phần xử lý theo công nghiệp là đưa bò lên nhưng khi hạ xuống, gia súc lại bị “tiếp đất” - xuống nền xi măng rất mất vệ sinh. Tiếp tục kiểm tra chỗ xả thải cho thấy, cơ sở dù có bể xả nhưng không hoạt động, nước thải không xử lý, xả thẳng ra môi trường, bốc mùi xú uế.

Qua công tác giám sát của tổ 2, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, khi kiểm tra cơ sở chăn nuôi, các chủ cơ sở đã có ý thức chấp hành bảo đảm ATTP, thức ăn chăn nuôi được nhập từ những doanh nghiệp đã có chứng nhận của cơ quan chức năng. Còn tại chợ dân sinh, thực phẩm được bày bán chưa đúng quy định, không có nguồn gốc… “Thành phố nên nghiêm cấm việc bày bán gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không có dấu kiểm dịch. Từ đó, yêu cầu, việc giết mổ gia súc, gia cầm phải thông qua các điểm giết mổ tập trung, được kiểm dịch đầy đủ” - ông Phan Xuân Dũng đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề ATTP đã đến "giới hạn đỏ". Không riêng gì ở Thủ đô, việc kiểm soát ATTP của cả nước hiện mới chỉ thực hiện được ở những cơ sở kinh doanh lớn, còn những cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ vẫn khó kiểm soát. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những cố gắng trong công tác bảo đảm ATTP của thành phố, với nhiều mô hình nuôi trồng thực phẩm sạch, đồng thời mong lãnh đạo thành phố sớm có những giải pháp tích cực giải quyết các tồn tại, thực hiện mục tiêu người dân sống an toàn, xanh, sạch, bảo đảm sức khỏe, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Đầu tư hơn nữa cho quy hoạch

Trên cơ sở ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã có quy hoạch cụ thể việc xây dựng cơ sở giết mổ, trong đó bám vào 3 yếu tố. Đó là bố trí điểm quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc giết mổ, bảo đảm nguồn thực phẩm đầu vào, phù hợp với phân phối sản phẩm; đồng thời kêu gọi điểm giết mổ nhỏ lẻ tham gia vào đó.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, trong năm 2017, thành phố sẽ tiến hành xây dựng 4 trung tâm giết mổ tập trung, dứt khoát không cho giết mổ nhỏ lẻ. Thành phố cũng đang mở rộng quy hoạch vùng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cải tạo và thiết lập lại hệ thống chợ, thiết kế lại quầy bán hàng bảo đảm vệ sinh, thiết kế hệ thống cấp thoát nước… Không để phường nào cũng có chợ, không thể kiểm soát được, phải tạo thói quen để người dân mua bán thực phẩm tại hệ thống siêu thị.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm, Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm đưa tất cả hoa quả vào quản lý theo hướng xây dựng quy định các cửa hàng bán hoa quả, có kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ; tuyệt đối không cho hoa quả bày bán ở vỉa hè, lòng đường. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kiến nghị đưa nước sinh hoạt vào danh mục thực phẩm cần phải thường xuyên kiểm tra. Riêng thành phố sẽ đưa vào việc kiểm tra định kỳ thường xuyên chất lượng nước, quy nước vào thực phẩm đặc biệt, trách nhiệm kiểm tra phải thuộc thẩm quyền của công ty cấp nước. Hà Nội quyết tâm giải quyết các tồn tại, tạo những bước chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATTP.

Theo UBND TP Hà Nội, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2016, tổng số vụ, lượt kiểm tra là hơn 824 nghìn cơ sở, trong đó phát hiện hơn 135 nghìn cơ sở vi phạm, xử lý hơn 41 nghìn vụ, phạt tiền hơn 18,5 nghìn cơ sở, với tổng số tiền phạt trên 92 tỷ đồng; tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm chất lượng có giá trị gần 48 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến năm 2016, thành phố có 14 vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ, lẻ với 222 người mắc, không có tử vong.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, riêng năm 2016, tổng số mẫu thực phẩm xét nghiệm là 24.905 mẫu, phát hiện 443 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 1,8%, tiến hành truy xuất nguồn gốc và tiêu hủy gần 10 tấn sản phẩm không bảo đảm ATTP...


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn thực phẩm đã đến "giới hạn đỏ"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.