Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ phố lên rừng nuôi gà Chín cựa

Nguyễn Khương| 08/01/2017 14:12

Vào Bản Dù, xã Xuân Sơn bây giờ ai cũng biết đến tiếng của Trại gà Chín cựa và người chủ Nguyễn Đắc Tùng, một trai phố chính hiệu.

Một con gà Chín cựa trong trại gà của Nguyễn Đắc Tùng.


Bỏ phố đi lùng gà

Giáp Tết 2013, trong một dịp công tác tại huyện Tân Sơn, Tùng nhận được chỉ thị của sếp lùng mua cho bằng được mấy chú gà Chín cựa (phải đủ chín cựa) để về làm quà biếu.

Tùng cũng hơi hoang mang không biết liệu mình có thể hoàn thành được nhiệm vụ đặc biệt này hay không. Cất công mò vào những bản làng khuất nẻo nhất, Tùng đã được tận tay sờ vào con gà tưởng như chỉ có trong truyền thuyết. Và Tùng đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Tùng đã nảy ra ý tưởng chăn nuôi, nhân giống và bán loại gà đặc biệt này. Từ bỏ chân phụ trách kinh doanh cho một công ty có tiếng ở Hà Nội, Tùng lên kế hoạch biến ý tưởng thành hiện thực. Trong mắt Tùng, đây là một cơ hội kinh doanh tốt.

Đầu năm 2014, Tùng với hai người bạn góp vốn mở Trại Gà Chín cựa Hùng Vương ở Bản Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Để có gà giống chuẩn, Tùng và những người bạn kiên trì đến từng hộ gia đình tìm mua gà 9 cựa thuần chủng về cho sinh sản tự nhiên, chọn lọc và nhân giống.

Đàn gà Chín cựa được Tùng thu gom, nhân giống trong 2 năm qua.


“Khi bắt đầu tìm hiểu để kinh doanh giống gà này, tôi mới biết là cả xã 200 hộ (hơn 1000 dân) mà mới có khoảng 200 con có nhiều cựa lại còn không thuần chủng”, Tùng bày tỏ. Theo thống kê của chính Tùng, trước Tết số lượng đó là 1000 con. Nhưng sau Tết Nguyên đán số gà giảm nhanh chóng.

Tùng đã tìm ra những lý do khiến số lượng gà này ngày càng ít đi. Vì là giống gà đặc hữu nên bị thu mua để biếu tặng nhiều. Đã khó nhân giống, gà con còn hay bị chết vì chân nhiều ngón dễ mắc vào cỏ cây, dây rợ. Do bị lai tạp với gà thường nên số lượng ngón ít dần đi.

Gà Chín cựa được chăn thả trong môi trường hoàn toàn tự nhiên.


Khi bắt tay vào việc, Tùng mới gặp nhiều vấn đề. Không những số lượng gà còn lại quá ít mà dịch bệnh và các loài thiên địch như rắn, mèo hoang, chó hoang tấn công. Việc khôi phục giống khó vì tỉ lệ chết tự nhiên cao, vận chuyển khó khăn…

Thức ngon không đủ để bán

Hiện nay, trang trại của Tùng rộng hơn 1 ha có hơn 1000 chú gà trưởng thành cùng rất nhiều gà con. Tỷ lệ thuần chủng đạt 90 – 100%.

Gắn bó với giống gà chín cựa quý hiếm hơn 3 năm, Tùng nắm rõ tập tính của giống gà truyền thuyết này. Tùng phân tích, đây là một sản phẩm rất mới lạ. Gà Chín cựa không chỉ có màu sắc truyền thuyết mà chất lượng thịt tuyệt ngon.

Gà Chín cựa có ngoại hình rất đẹp và chất lượng thịt rất thơm ngon.


Thịt gà chín cựa chắc, gà nhiều tuổi mà thịt vẫn giòn và không dai, vị đậm đà, ngọt tự nhiên, nước dùng không gây mỡ. Thịt gà Chín cựa ăn đứt thịt gà Mía, gà Hồ. Gà Đông Tảo chỉ khác biệt ở mỗi đôi chân còn chất lượng không sánh bằng. Nếu xào lăn, thịt gà Chín cựa ngon không kém gà chọi.

Đặc biệt, thịt gà Chín cựa còn có tác dụng chữa bệnh. Gà được nuôi trong vùng đất giàu năng lượng, khí hậu đặc trưng, nhiều lá thuốc nam nên có tác dụng gần như thuốc góp phần chữa thấp khớp, bổ máu, dưỡng thai… Ngoài ra, giống gà này còn nuôi làm cảnh. Với bộ lông ngũ sắc đẹp, dáng kiêu hùng, đuôi dài, hiếu chiến, gà được nhiều người nuôi làm cảnh.

Tùng đã thử hợp tác với trang trại tại Bắc Giang, Hà Tây, Thái Nguyên, Yên Bái… nhưng chất lượng thịt không bằng. Gà 9 cựa rất hoang dã và chỉ thực sự đạt chất lượng tốt khi sống trong môi trường giàu năng lượng và kiếm ăn tự nhiên.

“Chúng lên rừng kiếm ăn rồi ngủ luôn trên đó, chỉ khi nào thức ăn khan hiếm thì gà mới mò về mổ chút ngô hoặc sắn”, Tùng hài hước.

Gà sống thuần tự nhiên nên có khá nhiều rủi ro như đi mất hoặc chết trên rừng, gà con nhiều cựa bị vướng vào bụi cây, gà thường chiến đầu với nhau đến chết để phân đàn… “Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận chịu rủi ro đó để gà được tự nhiên 100% đúng nghĩa”, Tùng chia sẻ.

Mấy hôm nay, khi Tết Đinh Dậu 2017 đang đến gần, Tùng liên tục nhận được những cuộc điện thoại gọi hỏi mua gà với nhiều mục đích.

Một con gà Chín cựa giống được Tùng thu mua trong bản xa.


Mặc dù nhu cầu lớn nhưng Tùng vẫn đặt chất lượng lên hàng đầu, chăn nuôi theo đúng quy trình chăn thả tự nhiên. Tùng khẳng định: “Là doanh nhân thế hệ mới, chúng tôi đặt uy tín lên hàng đầu”.

Mỗi tuần Tùng xuất khoảng 4 cặp gà Lộc Phát với mức giá từ 3 triệu đồng/cặp (Mái 6 cựa, Trống 8 cựa) và nhận phản hồi tích cực từ khách hàng.

Trại Gà Chín cựa vẫn đang trong giai đoạn chọn lọc nguồn giống thuần chủng nhằm bảo tồn giống gà quý hiếm này. Trong năm tới, Tùng sẽ tập trung vào quy hoạch sản phẩm và tìm hiểu thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bỏ phố lên rừng nuôi gà Chín cựa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.