Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm: “Bài toán” khó tìm lời giải?

Ngọc Quỳnh| 16/01/2017 06:43

(HNM) - Sau 4 năm thực hiện quy hoạch nhưng hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa được cải thiện.


Giết mổ gia cầm tại chợ Vĩnh Hồ (Đống Đa). Ảnh: Khánh Huy


Khó khăn từ nhiều phía

Thực hiện Quyết định số 5791/QĐ-UBND ngày 12-12-2012 của UBND TP Hà Nội về việc “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến GSGC trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020”, đến nay, trên địa bàn thành phố có 12 cơ sở giết mổ xây dựng và đi vào hoạt động; 31 điểm chưa được triển khai. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Nhiều điểm giết mổ nằm trong quy hoạch nhưng một số địa phương chưa bố trí được địa điểm xây dựng phù hợp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Một số nơi thiếu quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, mặt khác công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ. Đơn cử như Chương Mỹ, với 80 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, chưa được kiểm soát vệ sinh ATTP, để từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ này, huyện đã quy hoạch 4 điểm giết mổ tập trung tại các xã Hữu Văn, Hồng Phong, Thụy Hương, Đại Yên. Thế nhưng, đến nay mới có 2 điểm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Nguyên nhân là trong quá trình triển khai gặp vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng do vị trí quy hoạch thuộc đất quỹ I xã đã giao cho hộ gia đình sử dụng sau dồn điền đổi thửa. Sở NN&PTNT Hà Nội, huyện Chương Mỹ phối hợp với xã Hữu Văn đã tổ chức 3 cuộc họp nhưng các hộ gia đình không đồng ý cho thuê đất mà chỉ đồng ý với phương án thu hồi đất giải phóng mặt bằng của thành phố. Do chi phí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng khá lớn, khoảng 10 tỷ đồng/ha, nên không có chủ đầu tư nào đủ khả năng thực hiện dự án. Bởi vậy, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét, chuyển địa điểm thực hiện dự án xây dựng khu giết mổ tập trung ở xã Tốt Động, tiếp giáp với xã Hữu Văn.

Thực tế cho thấy các địa phương của Hà Nội chưa có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ; thủ tục, thời gian đầu tư phức tạp, kéo dài làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư. Các huyện, thị xã cũng chưa quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ, triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn.

Trong khi đó, số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đang tồn tại khá nhiều, thiếu sự kiểm soát, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, ATTP. Thành phố đã ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 về hỗ trợ chi phí giết mổ, nhưng đến nay mới có 4/24 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 16,7%) được hỗ trợ, nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ. Mấu chốt do cơ sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y, ATTP nhưng lại không nằm trong quy hoạch giết mổ của thành phố. Một số cơ sở giết mổ nằm trong quy hoạch của thành phố nhưng không đủ công suất giết mổ hoặc không được cải tạo, nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh thú y và ATTP nên không được hỗ trợ.

Tập trung thu hút đầu tư

Xây dựng lò giết mổ GSGC tập trung là nhu cầu bức thiết nhằm kiểm soát chất lượng thịt tiêu thụ trên thị trường. Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thành phố đã chỉ đạo các huyện, thị xã tiếp tục thực hiện quy hoạch giết mổ tập trung, từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ GSGC không bảo đảm yêu cầu vệ sinh theo quy định.

Trao đổi về nội dung trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho hay, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC hoàn thiện thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư… để triển khai xây dựng đúng tiến độ theo quy hoạch. Đồng thời, có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; đối với dự án đã được thành phố phê duyệt, nếu việc thực hiện chậm tiến độ, kéo dài, không hiệu quả, sẽ tiến hành thu hồi và giao cho đơn vị khác có năng lực thực hiện. Liên quan đến chính sách hỗ trợ chi phí giết mổ, Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp kinh phí và chi trả cơ sở giết mổ đủ điều kiện được hưởng chính sách của thành phố…

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, các huyện, thị xã đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy hoạch giết mổ đã được thành phố phê duyệt; phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động giết mổ GSGC trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Một số cơ sở đang giết mổ số lượng lớn ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên… chờ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, chính quyền địa phương nên xem xét cho phép cơ sở thực hiện giết mổ tạm thời, cơ quan thú y sẽ kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ hằng ngày theo đúng quy định…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm: “Bài toán” khó tìm lời giải?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.