Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo các giống gà quý trên đất nước Việt Nam

Diệp Khuê| 30/01/2017 07:41

(HNM) - Một trong những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam là hệ thống lịch lấy 12 con vật làm biểu tượng cho chu kì 12 năm. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, chúng ta có dịp để chiêm nghiệm, suy ngẫm về các con giáp.

Theo tuần tự đó, năm nay là năm Ðinh Dậu, năm con gà, một con vật mà chỉ nói đến tên chúng ta cũng có thể cảm thấy gần gụi, thân thiện với con người, là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng (cho thịt, trứng) và còn là công cụ báo thức cho con người. Có lẽ, do tính hữu ích của nó là dễ thích nghi với điều kiện sống và hợp với khí hậu nên Việt Nam cũng có rất nhiều giống gà quý.


Gà Đông Tảo.


Nhắc đến giống gà quý mọi người thường nghĩ ngay đến gà Hồ. Giống gà này có nguồn gốc từ làng Lạc Thổ, Thị trấn Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sự hình thành và phát triển gà Hồ gắn liền với tập quán cổ truyền, với nền văn hiến vùng quê Kinh Bắc cổ kính. Gà Hồ cũng được nuôi phổ biến ở một số huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh cũ và một số vùng khác ở miền Bắc. Gà Hồ có tầm vóc khá to so với các giống gà địa phương khác. Đặc điểm của con trống theo thành ngữ chọn giống của dân địa phương là: Đầu công, mình ốc, cánh vỏ trai, đuôi nơm (chính cái nơm úp cá, để đạp mái dễ) da bụng, cổ màu đỏ, mào xuýt (mào kép), diều cân ở giữa; quản ngắn, đùi dài (cho thịt đùi nhiều) chân tròn, ngón tách nhau, da vàng, thịt ngon, lông mã lĩnh hay mận chín. Lông gà mái màu lá chuối hay màu vỏ nhãn, màu đất thó. Gà trống da vàng, màu lông mận chín hay mận đen, ngực nở, chân cao vừa phải, mào xuýt, thân hình chắc chắn. Loài gà này được biết đến là đặc sản tiến vua, từng rất quý hiếm vì đã được đưa vào sách đỏ để bảo tồn. Số lượng gà Hồ ngày càng ít đi do khó gây giống, thời gian nuôi dài, phải 1,5 - 2 năm mới được xuất bán.

Giống như gà Hồ, gà Đông Tảo (hay gà Đông Cảo) cũng là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô, vóc dáng to nặng, màu lông đen mã lĩnh, chân to, đầu gộc tre, mắt to, hai mí mắt xệ (nhìn không thấy mắt), mỏ ngắn, mào múi hoặc mào xít, hai tai cân nhau, cổ dài, vai rộng, đuôi xòe rộng, có yếm ở ức… khi trưởng thành có thể nặng trên 4,5 kg (gà trống) và trên 3,5 kg (gà mái). Đây là loài gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân trước đây thường dùng để cúng tế - hội hè, hay tiến vua. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Để nuôi được một con gà Đông Tảo thuần chủng trưởng thành phải mất ít nhất một năm với những chế độ chăm sóc riêng. Đơn cử như gà để làm cảnh phải có khoảng không cho gà tắm nắng để có bộ lông luôn óng ả, mượt mà. Gà làm thịt muốn cho thịt chắc, ngọt phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như: Cám trộn rau, thóc hoặc ngô đan xen từng thời kỳ…

Ngoài hai giống gà quý trên, gà Mía là giống gà đặc sản của Làng cổ Đường Lâm được dùng làm lễ vật dâng thần thánh, cung tiến vua, chúa ngày xưa và giờ đây đã trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương. Gà Mía là một giống gà nội địa của Việt Nam, chúng có nguồn gốc từ xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, Hà Nội, giống gà này là một đặc sản của Hà Nội. Đây là một giống gà có từ lâu đời, tên gọi gà Mía gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài cổ kính như chợ Mía, chùa Mía. Ngoài cung cấp cho lễ hội trong làng, người dân nơi đây còn dùng gà Mía trong lễ cưới.

Trong các loài gà độc đáo còn có gà 9 cựa cũng là một loại được nhiều người ưa chuộng và săn lùng vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Giống gà này từng được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, là một trong số những lễ vật thách cưới của công chúa Mỵ Nương, ít người biết rằng đây là một giống gà có thật. Bản Cỏi (nơi được coi là nguồn gốc của loài gà 9 cựa) là một bản nhỏ của người Dao nằm lọt thỏm giữa đại ngàn của Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Thanh Sơn - Phú Thọ) với hơn 60 hộ dân sinh sống khá nghèo nàn. Nhưng từ khi thông tin về gà 9 cựa được lan truyền thì cuộc sống của người dân ở đây cũng được đổi thay từng ngày. Lâu nay, loại gà này vẫn được biết đến như một loại gà quý hiếm của Việt Nam. Tương truyền, ngày xưa, gà 9 cựa là sản vật tiến vua. Điểm đặc trưng của giống gà này là chân to, chắc và mọc đều 3, 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn rừng. Gà có đầy đủ 9 cựa thì khá hiếm và rất quý, chủ yếu là gà 7, 8 cựa. Gà 9 cựa từ khi còn nhỏ đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mỗi bên có thể mọc từ 3 - 4 cựa tùy vào thời gian gà trưởng thành. Trong cùng một lứa gà, không phải lúc nào cũng có thể nhân được giống gà 9 cựa, có con chỉ có 7 hoặc 8 cựa, có con không có cựa nào. Do đó, giá cả có cao hơn nhiều so với những loại gà thường, nhưng dường như gà 9 cựa đang trở thành một xu hướng chơi sang, thể hiện đẳng cấp của những đại gia chịu chơi bỏ tiền mua về làm cỗ vui xuân.

Gà tàu vàng có nguồn gốc chủ yếu ở phía Nam như: Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương… Lông màu vàng rơm, vàng sẫm, có đốm đen ở cổ, cánh và đuôi. Chân màu vàng, da vàng, thịt trắng, mào phần lớn là mào đơn và ít mào nụ. Gà có sức đề kháng cao, thích ứng với mọi điều kiện chăn thả địa phương. Thịt rắn chắc, thơm ngon. Thích hợp với nuôi thả vườn. Thời gian đạt trọng lượng thịt là 6 tháng. Sản lượng trứng bình quân (60 - 70 trứng/năm). Gà mái 6 tháng tuổi bắt đầu đẻ trứng, gà mái có đặc tính thích ấp, nuôi con giỏi. Gà hiện rất được ưa chuộng vì chất lượng thịt cao, dễ nuôi. Gà Ác được nuôi nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, gà Ác có tầm vóc nhỏ, lông xước màu trắng tuyền; da, thịt, xương, mỏ và chân đều đen. Gà trống có mào cờ đỏ thẫm, gà mái mào cờ nhưng nhỏ và đỏ nhạt, tích màu xanh. Chân có lông và 5 ngón, nhưng cũng có một số con không có lông chân hoặc chân chỉ có 4 ngón. Gà Ác có sức sống rất cao.

Giống gà Tre phổ biến tại khu vực miền Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Gà Tre có vóc dáng gần giống với gà rừng, nhưng thấp và nhỏ hơn, trọng lượng tối đa đạt mức 0,7 - 0,8 kg/con (gà trống) và 0,6 - 0,7 kg/con (gà mái). Khả năng miễn dịch của gà Tre khá cao nên rất ít bị bệnh tật. Gà được chọn làm cảnh thường là gà trống bởi hình dáng đẹp. Lông gà có màu sắc khá đa dạng, đen, trắng, hoa mơ, tía...

Loài gà quý có trên khắp mọi miền trên đất nước ta. Gà chân voi, gà 9 cựa, gà khổng lồ, gà mặc “quần”, “gà chạy bộ”… là những giống gà cực kỳ độc đáo, nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như những sản vật tiến vua. Việc nuôi gà quý hiếm không chỉ giúp chúng ta thỏa mãn đam mê, mà còn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Sự độc đáo của những chú gà ngoài giá trị về vật chất còn mang ý nghĩa to lớn về mặt văn hóa, thể hiện khát vọng của nhân dân ta trong năm và những dịp Tết đến, xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo các giống gà quý trên đất nước Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.