Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt lên khó khăn, xứng đáng với vị trí đặc biệt của nghề thầy thuốc

Thu Trang| 23/02/2017 07:04

(HNM) - Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2017), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hànộimới về những đóng góp và nỗ lực của ngành Y tế Thủ đô, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển cũng như việc đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, KCB cho người dân của y tế Thủ đô thời gian gần đây?

- Tôi cho rằng, công tác KCB đã được tổ chức thực hiện hiệu quả ở các tuyến với việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã có chuyển biến rõ nét, quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi bệnh nhân cũng như việc giảm phiền hà cho người bệnh. Trong năm qua, khoa khám bệnh của các bệnh viện (BV) tiếp tục hoàn thiện và chuẩn hóa quy trình bảo đảm một chiều, thuận tiện, liên hoàn với các bộ phận xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám bệnh đã góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi; đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh. Ngành Y tế Hà Nội cũng tiếp tục duy trì và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực, thậm chí có những kỹ thuật ngang tầm với các BV trung ương và các nước trong khu vực. Các BV tuyến huyện đã triển khai nhiều kỹ thuật của BV tuyến thành phố về lĩnh vực sản khoa, ngoại khoa, tim mạch...

Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam



- Ngành Y tế Thủ đô đã có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đồng đều ở tất cả các tuyến, đơn vị. Theo ông, cần làm gì để giải quyết bài toán này?


- Chất lượng KCB chưa đồng đều ở tất cả các tuyến một phần do trình độ đội ngũ cán bộ y tế còn có sự chênh lệch. Với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn cho các đơn vị tuyến y tế cơ sở, nhất là các BV đa khoa tuyến huyện, năm 2016, ngành Y tế Hà Nội đã có 35 đơn vị thực hiện kế hoạch luân phiên người hành nghề, 133 kỹ thuật được các đơn vị hỗ trợ chuyển giao cho các đơn vị tuyến dưới bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”. Các cán bộ luân phiên đã tổ chức hơn 200 lớp tập huấn về chuyên môn cập nhật các phương pháp chẩn đoán, phác đồ điều trị bệnh mới cho hơn 4.000 lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và hộ sinh của tuyến dưới. Mới đây, BV Đa khoa huyện Thạch Thất đã cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim. Với tổn thương nặng như trường hợp này, trước đây khả năng cứu sống ở các BV tuyến huyện là rất thấp. Rõ ràng, việc triển khai hiệu quả hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn ở một số BV tuyến huyện trên địa bàn Hà Nội, thu hút được nhiều người dân địa phương đến KCB, góp phần giảm tải cho BV tuyến trên.

- Khối y tế dự phòng liệu đã đáp ứng được yêu cầu chưa, thưa ông?

- Trong năm 2016 và đầu năm 2017, dù bối cảnh dịch bệnh trong nước, trên thế giới, các nước trong khu vực diễn biến rất phức tạp, song tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn được kiểm soát tốt. Hiện thành phố vẫn duy trì tốt hệ thống giám sát, phát hiện dịch bệnh tại cơ sở y tế cũng như tại cộng đồng. 65 đội chống dịch cơ động được trang bị đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng nhanh, kịp thời với các trường hợp bệnh truyền nhiễm, các sự kiện y tế công cộng. Cùng với đó, công tác xét nghiệm chống dịch được đầu tư, đủ khả năng chẩn đoán nhanh các tác nhân gây bệnh mới trên thế giới như: Ebola, MERS-CoV, Zika... Các chương trình mục tiêu đều đạt được các kết quả đề ra, trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

- Ông có nhận xét gì về việc Sở Y tế đã tiến hành những cuộc kiểm tra, đánh giá thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh tại 66 BV trên địa bàn?

- Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường kiểm tra chất lượng BV năm 2016, qua kiểm tra đã có sự thay đổi tích cực của các BV trong ngành, nhất là các BV chuyên khoa hạng 1, hạng 2 và hạng 3. Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác KCB còn một số tồn tại, đó là ở một số đơn vị, kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế hạn chế, sắp xếp buồng, phòng chưa hợp lý, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa theo các quy trình; chưa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong quản lý KCB…

- Ngành Y tế Thủ đô có những giải pháp gì để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thực sự thay đổi?

- Trong năm 2017, mục tiêu xuyên suốt của toàn ngành là tiếp tục thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân. Đây là yếu tố sống còn, nhân tố làm nên bộ mặt của ngành Y tế Thủ đô. Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, các trang thiết bị y tế hiện đại cho từng đơn vị. Đặc biệt, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội sẽ triển khai sàng lọc ung thư đường tiêu hóa cho người dân trên 40 tuổi ở thành phố. Ngoài ra, ngành Y tế Hà Nội tập trung lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 100% người dân trên địa bàn theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Hiện tại, Sở Y tế đang khẩn trương thống kê dữ liệu dân số trên từng quận, huyện, thị xã; tập huấn cho cán bộ y tế; xây dựng phần mềm quản lý; lập hồ sơ quản lý sức khỏe tới từng người dân. Dự kiến, tháng 6-2017 sẽ triển khai và hoàn thành việc lập sổ theo dõi sức khỏe điện tử của tất cả người dân trong tháng 9-2017.

- Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông có nhắn gửi gì tới đội ngũ những người thầy thuốc?


- Người thầy thuốc khi đã nguyện dấn thân theo nghề y thì luôn coi việc chữa bệnh, cứu người là lẽ sống. Chúng tôi luôn động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành vượt lên những khó khăn để xứng đáng với vị trí đặc biệt của nghề nghiệp.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt lên khó khăn, xứng đáng với vị trí đặc biệt của nghề thầy thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.