Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Khó ở mô hình chợ truyền thống

Tiến Thành| 03/03/2017 07:27

(HNM) - Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh liên tiếp thí điểm các biện pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tuy nhiên, tại các kênh phân phối truyền thống, các mô hình truy xuất vẫn chưa thực sự đến với người dân, ảnh hưởng đến kết quả chung của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.


Các mô hình truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa thực sự đến với người dân.


Mới chú trọng kênh phân phối hiện đại

Thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có 240 chợ (không tính các chợ đầu mối); trong đó, có 14 chợ loại 1, 48 chợ loại 2, 128 chợ loại 3 và 50 chợ tạm. Các kênh phân phối truyền thống này đang chiếm khoảng 70-80% lượng tiêu thụ thực phẩm trên toàn thành phố.

Trong khi đó, vừa qua TP Hồ Chí Minh liên tiếp đưa vào thí điểm các mô hình truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chủ yếu tập trung vào các kênh phân phối hiện đại. Điển hình nhất là mô hình truy xuất nguồn gốc thịt lợn (Te-Food) của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sau gần 3 tháng thí điểm tại khoảng 350 điểm thuộc các hệ thống bán lẻ hiện đại đã mang lại những phản ứng tích cực từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc ứng dụng mô hình này tại các chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), đến cuối giai đoạn 1 của đợt thí điểm, khoảng 130 sạp kinh doanh thịt lợn tại 10 chợ ở TP Hồ Chí Minh đã triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt. Số lượng sạp tham gia mô hình Te-Food tại các chợ lẻ, chợ truyền thống còn quá ít so với cả nghìn sạp bán thịt lợn trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Te-Food, khoảng 150 thương lái kinh doanh thịt lợn ở thị trường thành phố - mắt xích quan trọng trong quá trình lưu thông phân phối thịt lại chưa đăng ký tham gia đề án này. Nguyên nhân dễ hiểu là do các thương lái sợ đụng chạm đến quyền lợi vốn đã được xác lập từ lâu.

Đối với mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh, hiện tại giai đoạn 1 tập trung hướng tới các kênh phân phối hiện đại với số lượng cung cấp còn hạn chế với khoảng hơn 10 tấn/ngày. Giai đoạn 2 của mô hình sẽ nhân rộng đến tất cả các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP chứ chưa đề cập đến việc phát triển kênh phân phối, đặc biệt là tại các chợ lẻ. Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, hiện mô hình mới chỉ đang trong bước hoàn thiện hệ thống, chuyển giao phần mềm cho các hợp tác xã để mã hóa và quản lý thông tin cơ sở dữ liệu.

Triển khai mạnh tại các chợ đầu mối

Lý giải nguyên nhân việc triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ lẻ còn gặp nhiều khó khăn, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, là do các chợ đầu mối chưa triển khai hoàn chỉnh. Chỉ khi nào kiểm soát được hoàn toàn lượng thịt lợn vào chợ đầu mối thì mới triển khai được ở chợ lẻ. Ông Hòa cho biết, tới đây 100% các quầy, sạp kinh doanh thịt lợn tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn (chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường thành phố) triển khai chương trình này. Thời gian tới các thương lái cũng sẽ phải hòa nhập vào xu thế chung.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn và sau này là các mặt hàng thực phẩm khác không bắt buộc mọi người tham gia, chủ yếu vận động các thành viên trong chuỗi cung ứng tham gia nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm. Với những thành công ban đầu, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ban, ngành có liên quan để đưa truy xuất nguồn gốc đến 240 chợ lẻ trên địa bàn thành phố.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang hoàn tất các bước để tiếp tục đưa thêm hai mặt hàng là thịt và trứng gia cầm vào diện truy xuất nguồn gốc vào giai đoạn 2 (từ tháng 3-2017) của thí điểm. Thịt và trứng gia cầm sẽ thực hiện truy xuất từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi cho đến tay người tiêu dùng. Người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ ứng dụng điện toán hóa chu trình VietGAP.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Khó ở mô hình chợ truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.