Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Quá nhiều bất cập trong quản lý

Thu Trang| 22/03/2017 06:42

(HNM) - Với hơn 3.200 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, nhưng toàn ngành Y tế Thủ đô chỉ có 3 thanh tra về lĩnh vực này. Trung bình một thanh tra phải kiểm tra, giám sát khoảng 1.000 phòng khám tư.


Kiểm tra là... ra sai phạm

Sau khi thai phụ Trần Thị Thu Tr. (29 tuổi ở Quảng Ninh) khám phụ khoa tại PK Đa khoa 168 Hà Nội bị tử vong, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 11 đến 17-3), qua rà soát, kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện rất nhiều sai phạm ở các PK ngoài công lập và buộc phải đình chỉ 3 PK có yếu tố bác sĩ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra Phòng khám Đa khoa Nhân Ái (quận Hoàng Mai). Ảnh: Văn Nguyễn


Sáng 17-3, kiểm tra đột xuất hoạt động của PK chuyên khoa răng - hàm - mặt BIOTIS (tại địa chỉ B002, tầng 1 The Manor Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) do bác sĩ Yang Chang Jun (Hàn Quốc) chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật, Sở Y tế Hà Nội phát hiện tại đây có 2 dịch vụ kỹ thuật (X-quang và Implant) không được cấp phép. PK cũng không xây dựng quy trình chuyên môn, kỹ thuật, không có phác đồ chống sốc, cấp cứu. Thậm chí, hộp chống sốc có 12 loại thuốc, tủ thuốc có 3 ống thuốc gây tê đều hết hạn sử dụng. Theo giấy phép đăng ký, PK này chỉ được khám chữa bệnh cho người Hàn Quốc, nhưng đã tổ chức khám bệnh cho cả người Việt Nam.

Qua kiểm tra PK Đa khoa Nhân Ái Hà Nội (số 709, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, PK thực hiện một số kỹ thuật không nằm trong danh mục được phê duyệt. Trong giấy phép đăng ký hoạt động có 3 bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc, 2 bác sĩ đã về nước trước Tết Nguyên đán, nhưng chưa bị rút giấy phép hoạt động; bác sĩ còn lại không có mặt ở PK. Ngoài ra, PK đăng ký hoạt động 6 chuyên khoa, nhưng khi kiểm tra chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa nội và chuyên khoa ngoại có mặt, không đủ điều kiện hoạt động.

Tương tự, PK Đa khoa Thái Hà (số 11 Thái Hà, quận Đống Đa), khi kiểm tra, Sở Y tế phát hiện thiếu 7 bác sĩ (so với số lượng 12 bác sĩ theo quy định với 4 chuyên khoa cơ bản đối với 1 PK Đa khoa), bác sĩ Vương Sùng Anh (người Trung Quốc) hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép. Ngoài việc đình chỉ PK, Sở Y tế còn xử phạt cơ sở 91 triệu đồng và tước chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Vương Sùng Anh trong 12 tháng.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và cơ quan chức năng đã kiểm tra gần 20 PK có yếu tố nước ngoài, trong đó phát hiện 14 cơ sở có sai phạm, xử lý vi phạm hành chính 12 cơ sở; đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của 4 cơ sở; tước chứng chỉ hành nghề của 3 bác sĩ...


Khó đóng cửa vĩnh viễn

Trước sự phát triển nở rộ của hệ thống cơ sở y tế tư nhân, công tác quản lý của cơ quan chức năng lại bộc lộ nhiều bất cập. Những PK dù bị đình chỉ, nhưng sau một thời gian khắc phục vi phạm, đã có thể trở lại hoạt động.

Ngay cả PK Đa khoa 168 Hà Nội, nơi để xảy ra vụ thai phụ Tr. tử vong, cũng vốn là “điểm đen” về vi phạm. Từ khi thành lập (năm 2013) đến nay, PK này đã 6 lần bị cơ quan chức năng xử phạt với số tiền gần 200 triệu đồng. Với hàng loạt sai phạm nhưng PK này vẫn ngang nhiên tồn tại...

Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc xử lý vi phạm của các PK tư nhân được áp dụng theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Từng lỗi vi phạm sẽ bị xử phạt các mức khác nhau và không có hình phạt bổ sung là yêu cầu đóng cửa PK. Giấy phép hoạt động của PK chỉ bị thu hồi khi việc cấp phép không đúng thẩm quyền, hay sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động, mà PK không hoạt động. Vì vậy, việc thu hồi giấy phép hoạt động không thể áp dụng trong trường hợp PK vi phạm, tái phạm liên quan đến công tác chuyên môn. “Chúng tôi đề nghị nên bổ sung thêm: PK vi phạm quy định về hành nghề trong 3 lần liên tiếp là có thể đóng cửa” - đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đề xuất.

TS. Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, chúng ta mới nặng về vấn đề kiểm tra mang tính hành chính, thủ tục, trong khi vấn đề quan trọng đối với nghề y là chất lượng chuyên môn và đạo đức hành nghề. Sự biến tướng trong hành nghề y dược như cho thuê bằng chuyên môn, “thay tên, đổi họ” khi bị sai phạm, vi phạm quy chế chuyên môn, người nước ngoài hành nghề “chui”… đang đặt ra những thách thức cho cơ quan quản lý.

Từ thực tế trên cho thấy, nếu cơ quan chức năng không quản chặt, xử lý nghiêm những sai phạm, thì người dân sẽ tiếp tục “tiền mất, tật mang” khi "đặt cược" sức khỏe, tính mạng của mình vào các PK tư nhân.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Quá nhiều bất cập trong quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.